MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về các giải pháp thúc đẩy sản xuất tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023. Ảnh: Văn Minh

Thủ tướng: Giá điện cần bàn cho hợp lý, tránh điều hành giật cục

Cường Ngô LDO | 03/02/2023 13:02
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ lưu ý cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trong việc mua bán điện cần có các đàm phán để hài hoà lợi ích, chia sẻ khó khăn. Thủ tướng cũng lưu ý giá điện cần bàn cho hợp lý, điều hành không giật cục.

Sáng 3.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Công Thương về các giải pháp thúc đẩy sản xuất tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 là năm có nhiều thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới.

Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ: GDP tăng trưởng cao nhất trong 12 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.

Đảm đủ nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân; mặc dù có thời điểm thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Minh 

Bước sang tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu gặp nhiều bất lợi khi đơn hàng giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Trước những khó khăn đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới.

Chỉ đạo tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại.

Đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt các Quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia, làm căn cứ để đẩy nhanh thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ logistic, năng lượng, khoáng sản… tạo động lực cho tăng trưởng và việc làm cho xã hội.

Đặc biệt, trong thời điểm này là đảm bảo đảm nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển sản xuất trong nước. Phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện (kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào).

Tránh "cơn gió ngược" từ bên ngoài

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Bộ Công Thương cần đưa ra các giải pháp cụ thể trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

"Thời gian không chờ đợi ai, công việc thì nhiều. Phải suy nghĩ để cân bằng các mâu thuẫn, xử lý hiệu quả các mâu thuẫn và vượt qua thách thức", Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với nhiều sức ép lạm phát từ thế giới, sẽ tác động đến Việt Nam. Bởi, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, nên biến động nhỏ bên ngoài cũng là tác động lớn bên trong. Chính vì vậy, cần suy nghĩ và có giải pháp để tránh "cơn gió ngược" từ các tác động của thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, qua việc ứng phó các thách thức của năm 2022, chúng ta đã trưởng thành lên, có thêm nhiều kinh nghiệm.

Thủ tướng đặt vấn đề trong những bối cảnh như trên, nhất là khi cả tổng cung và tổng cầu đều giảm, rõ ràng cần tập trung thúc đẩy việc đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng. Việc chọn chủ đề hội nghị là nhằm thực hiện việc này.

"Cuộc họp hôm nay rất quan trọng để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nền kinh tế và người lao động"- Thủ tướng nói và cho biết, điều cần tập trung thực hiện tới đây là thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu. Cùng đó là bảo đảm các cân đối lớn, năng lượng.

Thủ tướng tham dự buổi làm việc với Bộ Công Thương. Ảnh: Văn Minh 

Gợi ý thảo luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như 4 quy hoạch gồm quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và đặc biệt là quy hoạch điện VIII.

Về Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng nêu rõ, tiến độ quy hoạch là rất cần, song chất lượng quy hoạch còn cần hơn để có lợi cho nước cho dân, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

"Chính phủ rất trăn trở khi chưa ra được quy hoạch này. Song cần bình tĩnh, không nóng vội. Phải giải quyết tốt các vấn đề sử dụng tối đa nguồn lực, từ truyền tải điện - phân phối điện - sử dụng hiệu quả tiết kiệm. Đặc biệt vấn đề giá điện cần khẩn trương làm", Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng lưu ý cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trong việc mua bán điện cần có các đàm phán để hài hoà lợi ích, chia sẻ khó khăn. Lãnh đạo Chính phủ sẵn sàng ngồi đối thoại với các bên mua bán điện, song cần lưu ý giá điện cần bàn cho hợp lý, điều hành không giật cục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn