MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng"

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 06/01/2022 13:18

Ngày 6.1, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính phải cân đối thu chi chặt chẽ trong năm 2022. 

Thu ngân sách vượt dự toán

Theo đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỉ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỉ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt  14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020. 

Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. 

Ngoài ra, về kiểm soát nợ công, đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.

Tuy nhiên, trong các mặt còn tồn tại, theo Bộ Tài chính cho biết, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra. 

Hiện mới thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 1.665 tỉ đồng, thu về 4.402 tỉ đồng; phê duyệt phương án cổ phần hóa 04 doanh nghiệp, trong đó có 03 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỉ đồng, trong đó phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 196 tỉ đồng.

“Vẫn còn có khó khăn, vướng mắc ở các bộ, ngành, địa phương trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, ảnh hưởng rủi ro đến nguồn thu ngân sách nhà nước" - phía Bộ Tài chính cho biết. 

Bên cạnh đó, hoạt động thị trường chứng khoán có nhiều thời điểm xảy ra tình trạng nghẽn lệnh tại cơ sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp không tài sản đảm bảo cần được khắc phục. 

Cân đối thu chi phải hợp lý

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả ngành tài chính năm 2021. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đưa ra những cảnh báo thu ngân sách đạt kết quả tốt nhưng thiếu bền vững, thâm hụt ngân sách gia tăng. Điều này phải xem lại việc xây dựng dự toán đã sát hay chưa, có an toàn quá, thận trọng quá hay không, song song với đó có các quyết sách tài chính hợp lý trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết ngành tài chính năm 2021, giao nhiệm vụ ngân sách năm 2022. Ảnh: Bộ Tài chính.

“Phải khuyến khích, đa dạng hoá thu ngân sách, khen thưởng kỉ luật ra sao để thu ngân sách không bị triệt tiêu. Để không như địa phương sợ thu năm nay cao năm sau Bộ Tài chính lại giao thêm, không biết có hoàn thành được không. Như thế không khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, phải giảm những khoản chi không cần thiết. Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng chứ không thể chi tiêu thoải mái được" - Thủ tướng nói. 

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu chính sách phân bổ ngân sách cần phải được cân nhắc sao cho công bằng. “Tránh tình trạng quan hệ tốt thì được nhiều, quan hệ không tốt thì được ít. Từ đó sinh ra chuyện chạy vạy, bất bình đẳng” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chấn chỉnh những vấn đề còn tồn đọng như nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng; tái cơ cấu nền kinh tế; cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; tổ chức tín dụng yếu kém, giải ngân đầu tư công còn chậm. 

“Những vấn đề nảy sinh như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng nóng thị trường chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, trong đó có chỉ đạo quản lý chưa được tốt. Tôi đề nghị chấn chỉnh ngay nếu không sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, phải xử lý để làm lành mạnh hoá nền kinh tế của chúng ta" - Thủ tướng chỉ đạo. 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bám sát thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không để cho xảy ra các vấn đề bất ngờ cho Nhà nước liên quan đến tài chính ngân sách, kiểm soát thị trường vốn, giá cả mặt hàng, thị trường xuất nhập khẩu khu vực và thế giới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn