MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ tướng: Quan điểm Hà Nội không vội được đâu đã lạc hậu

Cường Ngô - Nguyễn Hà LDO | 27/06/2020 12:17

Tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác, đầu tư và phát triển", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta; đồng thời, quan điểm "Hà Nội không vội được đâu" đã lạc hậu, đã cũ.

Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế của Đông Nam Á

Sáng 27.6, diễn ra Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do thành phố Hà Nội tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Sự kiện cũng chào đón hơn 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhìn từ hội nghị này, có thể thấy Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sự hấp dẫn đó không chỉ đến từ môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm.

"Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1.000 năm của mình, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị. Ảnh: TTBC 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quan điểm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã lạc hậu, đã cũ; bởi, Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn.

Vì vậy, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta...

Khuyến khích nhân sự các công ty nước ngoài sớm quay trở lại Việt Nam

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Big C) nhận định, thành phố Hà Nội đã có sự hỗ trợ tích cực với các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong thời gian giãn cách xã hội, như thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, hỗ trợ mở thêm điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân. "Dịch COVID-19, ở một khía cạnh khác, là cơ hội để bạn bè quốc tế nhận thấy quyết sách đúng đắn của Việt Nam trong phòng, chống dịch và khởi động nền kinh tế", bà Phương nói.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhận định, Hà Nội nên khuyến khích nhân sự các công ty nước ngoài sớm quay trở lại Việt Nam. Nhật Bản sẵn sàng đẩy nhanh hơn nữa việc đưa người lao động Nhật Bản trở lại Hà Nội và Việt Nam.

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) dẫn câu tục ngữ này để nói lên sự cần thiết đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn hiện nay.

Ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham). Ảnh: Hanoimoi

Tuy nhiên, ông Kim Han Yong cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn Việt Nam có sự hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

“Hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý nhập cảnh vào Việt Nam rất lớn. Việt Nam nên sớm cấp visa và mở đường bay quốc tế trở lại bình thường”, ông Kim Han Yong đề nghị.

Ông Kim Han Yong cho biết, Hàn Quốc có thể hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi kỹ thuật số để Việt Nam trở thành xã hội kỹ thuật số; đồng thời khẳng định, doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn chung tay, đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn