MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: K.L)

Thủ tướng sẽ giao 60 nhiệm vụ cho 14 bộ để “gỡ rối” cho doanh nghiệp

K.Linh LDO | 18/05/2017 08:21
Tại buổi họp báo về kết quả hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp (DN) năm 2017 (ngày 17.5), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi nhận ý kiến phản hồi các bộ, ngành và DN, Thủ tướng sẽ ra Chỉ thị nhằm thực hiện Nghị quyết 35, giải quyết vướng mắc cho DN, dự thảo Chỉ thị dài 11 trang, gồm 60 nhiệm vụ cho 14 bộ.

Sẽ ban hành chỉ thị giải quyết vướng mắc cho DN

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo một số kết quả của Hội nghị. Theo đó, Hội nghị lần này được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã thống nhất thông qua các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu các DN nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN hôm nay là bước triển khai trực tiếp đầu tiên yêu cầu của Trung ương.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, Hội nghị thống nhất đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 đã đạt nhiều kết quả tích cực, mà hơn ai hết, cộng đồng DN có thể cảm nhận được. Nghị quyết đã góp phần tạo dựng niềm tin của người dân và cộng đồng DN, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN.

Đặc biệt, sau khi nhận ý kiến phản hồi các bộ, ngành và DN, người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng sẽ ra Chỉ thị nhằm thực hiện Nghị quyết 35, giải quyết vướng mắc cho DN, dự thảo Chỉ thị dài 11 trang, gồm 60 nhiệm vụ cho 14 bộ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong Chỉ thị mới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ chuẩn bị, Chỉ thị đã được xây dựng hết sức rõ ràng mạch lạc, nhiệm vụ cụ thể, cơ quan thực hiện cụ thể, thời gian hoàn thành cụ thể, không chồng chéo, không hiểu hai nghĩa, đi thẳng vấn đề mà DN và doanh nhân quan tâm.

Trong đó, nhiệm vụ của Bộ Tài chính cũng nhiều với những vấn đề về thủ tục thuế hải quan, kê khai thuế điện tử, giảm thời gian chi phí… Bộ trưởng Bộ TNMT tới đây phải nghiên cứu giúp Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa Luật Đất đai…

“Mục tiêu là năm nay sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản, nhất là các thủ tục, giấy phép con, lợi ích nhóm… để giảm những chi phí chính thức và chi phí không chính thức, để giảm giá thành, để có điều kiện cạnh tranh sản phẩm. Đây là điều kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ và của cả Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Chỉ thanh tra đột xuất DN khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng

Mặt khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đã ký Chỉ thị số 20 để tránh việc kiểm tra chồng chéo với các DN. Nó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đồng hành cùng DN”.

Theo Bộ trưởng, Chỉ thị nêu rõ, trong 1 năm không thanh tra DN quá một lần hoặc kiểm toán quá 1 lần, nên thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì yêu cầu phải có chứng cứ, có dấu hiệu rõ ràng, chứ không phải vào thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng sau đó lại không có chứng cứ vi phạm pháp luật. “Khi DN phát hiện có sự thanh kiểm tra chồng chéo thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết, nếu không thì DN kiến nghị lên các cơ quan cao hơn”, người phát ngôn Chính phủ cho hay.

Về cơ chế giám sát, chế tài xử lý nếu các cá nhân, Bộ ngành không thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tất cả trên tinh thần xử lý nghiêm, cách chức, thuyên chuyển, buộc thôi việc tùy theo vi phạm của cán bộ. Tuy nhiên, DN tạo ra cán bộ hư, cán bộ hỏng, DN cũng có lỗi. Chính vì thế, chúng ta phải cùng giám sát. Các cá nhân, đơn vị không thực hiện theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng nếu cố tình vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn