MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thuận lợi gì khi Thanh long Bình Thuận có 'giấy thông hành' vào Nhật?

PHẠM DUY LDO | 08/10/2021 16:40

Sau vải thiều Lục Ngạn, Thanh long Bình Thuận là nông sản thứ 2 của Việt Nam chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

“Trưa ngày 7.10, sau khoảng 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận”, ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận cho biết.

Thu hoạch thanh long tại một trang trại ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Ảnh: Phạm Duy

Đây là một dự án có sự phối hợp giữa Cục sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận và các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan. Để được cấp bằng bảo hộ thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản, quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký trải qua nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn phải đáp ứng đề nghị cung cấp các số liệu cập nhật mới nhất đối với đặc tính của thanh long Bình Thuận. Sau nhiều lần hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để đáp ứng các yêu cầu của phía Nhật Bản, cuối cùng thanh long Bình Thuận cũng đã được đăng ký bảo hộ thành công.

Trang trại thanh long nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Duy

Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể được hiểu như "giấy thông hành" để thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở các thị trường khó tính khác như châu Âu, Hàn Quốc,…

Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản khi sang thị trường nước ngoài thì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản có giá bán cao hơn so với các sản phẩm không được bảo hộ và được người dân nơi đây tin tưởng về chất lượng và sẵn sàng mua. Đây còn là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản, cũng như mở đường cho các nông sản khác của Việt Nam vào thị trường khó tính này.

Chăm sóc thanh long tại vườn. Ảnh: Phạm Duy

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đầu, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ rất quan trọng. Trong đó, người trồng phải tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng, sản xuất thanh long, đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật. Toàn bộ quy trình phải được giám sát thường xuyên.

Những trái thanh long chín đỏ trên cành. Ảnh: Phạm Duy

“Sau khi được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận thì phải tổ chức sản xuất cho tốt. Thị trường Nhật Bản là thị trường khó tính thì qua các thị trường khác cũng dễ dàng hơn”, ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận cho biết thêm.

Thanh long thu hoạch được cho vào khay đựng để cân. Ảnh: Phạm Duy

Bình Thuận đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thanh long từ 50-60 triệu USD vào năm 2025. Việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” là một chiến lược tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm này trên các thị trường nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn