MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Ảnh: Giang Nguyễn

Thức ăn chăn nuôi Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập ngoại

Vũ Long LDO | 12/08/2021 20:09

Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Ngày 12.8, tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Tìm giải pháp bổ sung nguồn cung cấp nguyên liệu TACN tại Việt Nam” do Văn phòng Nông nghiệp - Đại sứ quán Hoa Kỳ (USDA) và Tổ chức CropLife Châu Á (CLA) đồng phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch VIPA đánh giá: Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, mặc dù ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam tăng trưởng bình quân 13-15%/năm và đã liên tục tăng trưởng trong 10 năm qua.

Dẫn số liệu về kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng liên tục (năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là 6,862 tỉ USD, thì trong năm 2020 là 7,162 tỉ USD với lượng trên 20 triệu tấn; 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã lên đến 3,903 tỉ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái), ông Sơn cho rằng, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

"Mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-85% nguyên liệu từ nước ngoài và hàng năm đều tăng cả về lượng cũng giá trị" - ông Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ.

Bà Đinh Thị Thúy Phương - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cũng nêu rõ, sự phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập đã khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước trong hơn nửa năm qua đã liên tục “phi mã” bởi giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua liên tục tăng trên thị trường quốc tế. Cụ thể, tại thị trường Chicago (Mỹ), 6 tháng đầu năm 2021 bình quân chỉ số giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 49,32% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gia tăng, thì giá thành sản xuất và giá bán thức ăn chăn nuôi thành phẩm lập tức tăng theo. Từ đó dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới, khiến sản phẩm thịt, trứng, sữa sản xuất trong nước chịu lép vế về giá so với hàng nhập khẩu cùng loại.

Trước tình trạng đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản.

Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm thức ăn chăn nuôi có năng suất và sản lượng cao với kỳ vọng góp phần giảm thiểu nhập khẩu các nguyên liệu giàu năng lượng như ngô và giàu đạm như đỗ tương nhằm hạ giá thành thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn