MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh Quochoi.vn.

“Thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho DN"

C.NGUYÊN - T.VƯƠNG LDO | 16/06/2020 12:13

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa.

Ngày 16.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất cao trong tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đại biểu Nguyễn Tạo, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế đứng trước nguy cơ, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phù hợp quy định Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Về việc giảm thuế thu nhập, theo đại biểu Tạo, việc phải đáp ứng tiêu chí doanh thu dưới 50 tỉ đồng và sử dụng lao động dưới 100 người tạo ra chính sách cào bằng chung, "cá mè một lứa", nên cần phải đánh giá đầy đủ từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, để xác định đối tượng thụ hưởng khoa học và hợp lý hơn, phù hợp với từng đối tượng khó khăn. 

Đại biểu Tạo cũng thống nhất áp dụng đối với đối tượng hẹp hơn là doanh nghiệp nhỏ - đối tượng chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19. Tuy vậy, để hạn chế tiêu cực, cần xác định mốc thời gian về dịch bệnh diễn ra, theo báo cáo kê khai tài chính doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp gặp khó khăn (doanh nghiệp nhỏ) mới đảm bảo tính công bằng. 

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, doanh nghiệp nhỏ có lãi năm nay là anh hùng, rất là tuyệt vời, không có khó khăn; nên nếu giảm thuế thì động viên, biểu dương thành tích thôi. Còn doanh nghiệp thực sự khó khăn thì họ cần là chính sách về tiền tệ và tài khóa.

Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu QH Thái Bình) cũng cho rằng không thể hỗ trợ hết doanh nghiệp, cần xác định đúng đối tượng theo quy định của luật về doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải có Nghị quyết này.

Về tiêu chí, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải chọn các tiêu chí để khi tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh những rủi ro. Ông nói, vừa qua, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8.4.2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Đến nay, chính sách đã đi vào cuộc sống và rất thuận lợi cho doanh nghiệp tự tính, tự khai. Trong quá trình thực hiện đang rất thuận lợi, nên chưa phải thanh tra, kiểm tra.

Về cắt giảm phí, lệ phí, người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng đến nay đã ban hành 18 thông tư, giảm các loại phí, lệ phí. Nhiều loại phí, lệ phí đã được giảm rất sâu, trong đó có lĩnh vực hàng không. Đặc biệt là giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, cho nên trong thời gian vừa qua đã có tác động rất lớn, góp phần ổn định thị trường.

Ngoài ra, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Các chính sách thuế này, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt như hàng không.

“Đây là một trong các giải pháp, còn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn