MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giảm các rủi ro vê môi trường và biến đổi khí hậu sẽ chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn. Ảnh: Vũ Long

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững từ việc chăm sóc tốt sức khỏe cộng đồng

Vũ Long LDO | 22/12/2023 20:03

Cần tăng cường năng lực của các đơn vị y tế thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn.

Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Chia sẻ với PV Lao Động, TS Lỗ Văn Tùng, Trưởng khoa sức khỏe môi trường và cộng đồng - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết: Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 17 mục tiêu cụ thể, bao gồm SDG 6 là “Đảm bảo sự có sẵn và quản lý bền vững của nước và vệ sinh cho tất cả mọi người.

Ông Lò Văn Tùng chia sẻ về xây dựng cơ sở y tế thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh và bền vững với môi trường. Ảnh: Mai Lan

“Để góp phần thực hiện cam kết đó, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch Hành động về ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu chung là “Tăng cường năng lực của các đơn vị y tế trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu để ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro về môi trường và biến đổi khí hậu đối với hệ thống y tế và sức khỏe con người, nhằm mục tiêu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe công cộng tốt hơn” – ông Tùng nói.

Thí điểm mô hình cơ sở y tế thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 22.12, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và xin ý kiến góp ý dự thảo Hướng dẫn xây dựng cơ sở y tế thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh và bền vững với môi trường do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tổ chức, BS Phan Thị Thúy – Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Nghệ An), cho hay, hiện bệnh viện vẫn đang sử dụng lò đốt chất thải rắn y tế do chưa có nguồn đầu tư hệ thống nồi hấp khử trùng để giảm phát thải khí nhà kính. Về việc thay thế các thiết bị tiết kiệm điện chưa triển khai triệt để do khó khăn trong công tác mua sắm, đầu thầu.

Bệnh viện đang hướng tới sử dụng năng lượng mặt trời nhưng không có chuyên môn và nguồn kinh phí thực hiện. Nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp trầm trọng chưa được sửa chữa, thay thế. Chưa có nhà vệ sinh cho người khuyết tật. Một số nội dung trong kế hoạch chưa triển khai được do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện...

Để giải quyết vấn đề trên, bệnh viện đề nghị được tham quan và học hỏi các mô hình thí điểm đã triển khai thành công cũng như chia sẻ kinh nghiệm của bệnh viện khi thực hiện mô hình thí điểm; đầu tư cho năng lượng xanh (năng lượng mặt trời, nước…), thay thế lò đốt rác bằng hệ thống xử lý chất thải nguy hại bằng công nghệ hấp ướt, hướng tới giảm thiểu chất thải nhựa trong bệnh viện, cùng một số kiến nghị khác về nguồn nước sử dụng.

TS Angela Pratt – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - cho biết: WHO đang hợp tác thông qua một số bệnh viện huyện, đóng vai trò là hình mẫu cho các cơ sở y tế khác học tập.

“Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng hướng dẫn về khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và cải thiện dịch vụ nước sạch và vệ sinh cho các bệnh viện trên cả nước. Có nguồn cung nước sạch an toàn là một điều kiện tiên quyết để mang đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại nơi mình đang sống.

Đầu tư vào thích ứng biến đổi khí hậu cũng giúp giảm chi phí và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống y tế hiệu quả và công bằng hơn” – bà Angela Pratt khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn