MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: QUỲNH CHI

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW: Tham gia sâu chuỗi giá trị để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân LDO | 06/12/2022 08:38

Tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu - bước ưu tiên chiến lược trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Đó là cách thức cải thiện cơ bản thực trạng phát triển để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17.11.2022.

Chuỗi giá trị là cấu trúc cơ bản

Nền kinh tế là một hệ thống chuỗi giá trị. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực chất tăng tích lũy giá trị dựa trên phát huy lợi thế trước hết ở chuỗi giá trị công nghiệp.

Đây là quy luật huy động nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển nhanh, hiệu quả thông qua kết nối nghiên cứu - phát triển, sản xuất, chế tạo, tiêu thụ trong một chuỗi thống nhất để gia tăng giá trị toàn chuỗi.

Các quốc gia tham gia sâu vào chuỗi giá trị đều cải thiện nhanh chóng vị thế quốc gia, điều chỉnh cơ cấu trong thời gian ngắn, phát triển doanh nghiệp dẫn đầu, hình thành ngành công nghiệp chủ lực. Chuỗi giá trị khu vực thường gắn với cơ cấu kinh tế và thị trường khu vực, lợi thế phát triển các ngành.

Tham gia chưa sâu chuỗi giá trị

Nền công nghiệp Việt Nam nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu khai thác tài nguyên, phát huy nguồn lao động giản đơn, đảm nhận các khâu gia công giá trị thấp và dễ bị thay thế bởi các nước so trình độ phát triển tương tự, thậm chí thấp hơn.

Việc sử dụng lao động có sẵn để lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện tử với các loại linh kiện phụ tùng phức tạp, tinh xảo được chế tạo ở nước ngoài và nhập khẩu vào Việt Nam hoặc được sản xuất tại Việt Nam nhưng theo công nghệ nước ngoài khó cải thiện được vị thế thỏa đáng trong chuỗi.

Ngành dệt may chủ yếu gia công thuê theo đơn đặt hàng nước ngoài với giá trị gia tăng thấp trong các khâu công việc giản đơn, và gây ra những tác động xấu về phát triển nghề nghiệp người công nhân sau khi ra khỏi chuỗi.

Tỉ trọng giá trị gia tăng trong các khâu đơn giản thường dưới 10%, thậm chí một vài phần trăm. Đây là con số rất nhỏ trong chuỗi giá trị trong khi có nhiều khả năng để cải thiện con số này.

Thị trường khu vực và toàn cầu rất lớn song vị thế Việt Nam trong chuỗi còn rất nhỏ, hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng.

Ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế trong cung cấp các loại linh kiện, phụ tùng, chi tiết tinh xảo, phức tạp để kết nối chuỗi ổn định, quy mô lớn. Những sản phẩm được sản xuất theo chuỗi không phải tạo giá trị cơ bản của sản phẩm mà chủ yếu bao bì đóng gói, dịch vụ trình độ đơn giản.

Theo đó rủi ro các tác nhân không ăn nhập hay kết nối chặt chẽ trong chuỗi, bị gạt ra khỏi chuỗi rất cao, gây gián đoạn quá trình tích lũy giá trị liên tục.

Đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự tụt hậu trong phát triển, tăng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Chọn hướng đi để thay đổi vị thế chuỗi

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công đòi hỏi phải cải thiện vị thế trong chuỗi. Nếu không chuyển dịch được từ vị thế thấp sang vị thế cao hơn cũng đồng nghĩa từ chối việc phát triển đồng hạng với cuộc đua kinh tế khu vực và toàn cầu. Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khó đạt được.

Trong khu vực ASEAN, mục tiêu hình thành chuỗi khu vực ASEAN với quy định hàm lượng nội địa 40% theo cam kết trong ASEAN, hình thành mạng sản xuất khu vực với tiêu chuẩn ASEAN. Trong Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) với 15 thành viên Châu Á cũng có yêu cầu tương tự và chuỗi giá trị sẽ được mở rộng. 

Trên phạm vi toàn cầu, tham gia vào chuỗi có nghĩa là tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu, thường do các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt, nhất là các tập đoàn đa quốc gia nằm trong nhóm 500 tập đoàn đa quốc gia xếp loại hàng năm toàn cầu về doanh thu, tài sản, công nghệ, thương hiệu. Doanh thu từng quốc gia hoặc tổng tài sản có thể lớn hơn quy mô GDP của Việt Nam. 

Cần có các cam kết pháp lý chặt chẽ và rõ ràng cấp quốc gia để tạo tiêu điểm đầu tư và chuẩn mực điều chỉnh chiến lược, chính sách và quy định theo hướng có thể tiên lượng được.

Sự hỗ trợ chiến lược, chính sách từ phía Chính phủ để tham gia chuỗi cùng với sự hợp tác doanh nghiệp và ý chí vươn lên của nhân lực nhất là doanh nhân, chuyên gia, đội ngũ nhân lực trình độ cao sẽ tạo đột phá chuyển dịch vị thế quan trọng.

Phân tích thế mạnh chuỗi khu vực để tìm khâu tham gia phù hợp. Việt Nam có thể trở thành khâu đầu trong chuỗi ASEAN nếu đầu tư vào các sản phẩm có thế mạnh vượt trội dựa trên thế mạnh quốc gia và lợi thế dòng đầu tư quốc tế tăng nhanh.

Cả nhà nước và doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng để cùng đảm nhiệm những công việc phức tạp, mũi nhọn chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia để làm chủ công nghệ, quy trình và giải mã công nghệ lõi.

Phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trong nước theo hướng hình thành những tập đoàn công nghiệp - khoa học mạnh, tự phát triển công nghệ và sản phẩm mới, từng bước cải thiện vị thế trong cạnh tranh đổi mới sáng tạo.

Kiên trì chiến lược khởi nghiệp theo hướng tham gia và từng bước tự xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm Việt Nam, từng bước đưa ra các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, vững vàng và tự tin trong tham gia sâu vào khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị, nhất là khâu nghiên cứu - phát triển, thiết kế sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn