MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng tiền gửi ngân hàng của dân cư có xu hướng tăng mạnh trong 1 năm qua. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước

Thực hư việc tiền gửi vào ngân hàng tăng vọt?

Cẩm Hà LDO | 14/06/2023 06:36

Tổng số dư tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại ngân hàng thực tế chỉ tăng thêm 115.000 tỉ đồng, tương đương 0,7% trong 3 tháng đầu năm nay. Đây là mức tăng rất thấp so với nhiều năm và so với mức tăng phổ biến 2% những năm trước dịch.

Tiền gửi chỉ tăng thêm vỏn vẹn 0,7%

Trong các ngày gần đây, có nhiều thông tin về nguồn tiền gửi có xu hướng tăng vọt tại các ngân hàng, thậm chí đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của Lao Động, thực tế số dư tiền gửi chỉ tăng ở nhóm khách hàng dân cư trong khi lại sụt giảm rất mạnh ở nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Cụ thể theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng là 11,94 triệu tỉ đồng, đạt mức tăng chỉ khoảng 0,7%, tương đương gần 115.000 tỉ đồng so với đầu năm.

Trong tổng số dư tiền gửi tại ngân hàng, mức tăng mạnh xuất hiện ở nhóm khách hàng dân cư khi tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 3 là 6,28 triệu tỉ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Như vậy trong 3 tháng đầu năm nay, nhóm khách hàng dân cư gửi thêm vào hệ thống ngân hàng 415.000 tỉ đồng.

Trái ngược với nhóm khách hàng dân cư, lượng tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp tại ngân hàng vào cuối tháng 3.2023 lại giảm tới gần 4,9% so với đầu năm, xuống còn 5,66 triệu tỉ đồng. Số liệu này cho thấy trong 3 tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp sụt giảm xấp xỉ 300.000 tỉ đồng, tương đương 100.000 tỉ đồng mỗi tháng.

Cộng gộp các dữ liệu trên cho thấy, tổng lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng trong các tháng đầu năm chỉ tăng thêm khoảng 115.000 tỉ đồng, tương đương 0,7% và là mức tăng thấp hơn rất nhiều so với cùng kì các năm trước dịch 2018-2019 là 1,72 - 2,2%.

Dồi dào thanh khoản để giảm lãi suất

Theo số liệu được NHNN công bố, có thể thấy tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp chủ yếu do nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp giảm rất mạnh.

Việc rút tiền thanh toán các khoản lương thưởng và phục vụ chi tiêu trong cao điểm Tết Nguyên đán có thể là một trong những lí do khiến tiền gửi tại ngân hàng của doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm. Tình trạng hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, áp lực thanh toán trái phiếu căng thẳng và khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, đầu ra buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất là những yếu tố làm sụt giảm nguồn tiền gửi tại ngân hàng.

Với nhóm khách hàng cá nhân, biểu đồ ghi nhận biến động tiền gửi dân cư tại ngân hàng của NHNN cho thấy, thực tế số dư tiền gửi dân cư tại ngân hàng liên tục tăng lên suốt 1 năm qua, tính từ thời điểm tháng 3.2022 đến nay. So với số dư tiền gửi dân cư vào thời điểm tháng 3.2022, tổng số dư tiền gửi của dân cư chỉ tính đến cuối tháng 2.2023 tăng thêm gần 705.500 tỉ đồng.

Đây là diễn biến không gây nhiều bất ngờ trong bối cảnh lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục tăng cao lên mức 9-10%/năm giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2023 trước khi giảm về quanh ngưỡng 7-8%/năm như hiện nay.

Chứng khoán VnDirect nhìn nhận, bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, khách hàng cá nhân sẽ có xu hướng tăng gửi tiết kiệm trong môi trường lãi suất cao.

Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các quyết định giảm lãi suất điều hành vào cuối tháng 5 của NHNN sẽ có thêm tác động thúc đẩy hạ lãi suất cho vay đối với cá nhân và tổ chức, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó một lượng lớn tín phiếu do NHNN phát hành đáo hạn tiếp tục giúp cho thanh khoản hệ thống thêm dồi dào, hỗ trợ lãi suất tiếp tục hạ nhiệt.

Thực tế khi phân tích tình hình hoạt động trong quý I/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng khá cao, trong khi NHNN mua vào khoảng 4 tỉ USD, đồng nghĩa một lượng tiền tương ứng được đẩy ra thị trường. Việc hệ thống ngân hàng duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào yếu tố tích cực để ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất.

BVSC dự báo tới cuối năm 2023 lãi suất huy động sẽ giảm khoảng 1% với cuối năm 2022 và nhờ đó tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn