MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thực lực tài chính CBBank trước thời điểm bị chuyển giao bắt buộc

Lam Duy LDO | 19/05/2023 07:00

Việc Vietcombank nhiều khả năng nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CBBank) có thể mang về cho ngân hàng này khối tài sản hơn 20.000 tỉ đồng và sở hữu 3.000 tỉ đồng vốn điều lệ.

Như Lao Động phản ánh, với các bước chuẩn bị dồn dập của Vietcombank và việc ngân hàng này tham gia hỗ trợ CBBank tái cơ cấu từ năm 2015, thị trường đang có nhiều đồn đoán về việc CBBank sẽ chính là ngân hàng được chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank.

Các dữ liệu tài chính ít ỏi có trong các thông tin được đăng tải trên website chính thức của CBBank cho thấy, sau nhiều năm vật lộn với khó khăn và thu hồi nợ, ngân hàng này hiện có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỉ đồng và tổng tài sản trên 20.000 tỉ đồng. 

Con số 20.000 tỉ đồng này là không thấm tháp gì nếu so với quy mô tổng tài sản của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay.

Các dữ liệu tổng hợp báo cáo tài chính của các ngân hàng tính đến cuối năm 2022 cho thấy, trong danh sách 27 ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, Ngân hàng Saigonbank dù xếp vị trí cuối nhưng cũng có tổng tài sản lên tới gần 28.000 tỉ đồng.

Nhưng con số 20.000 tỉ đồng sẽ là đặc biệt lớn với một ngân hàng có số phận long đong như Ngân hàng Xây dựng (CBBanK).

Bởi vào thời điểm ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Trustbank, sau đó đổi thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB và nay là CBBank) bị bắt năm 2014, Ban Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank (VCB) tiếp quản CBBank, ngân hàng này có khoản lỗ lũy kế lên tới 27.500 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 24.000 tỉ đồng. 

Sau nhiều năm bị mua lại với giá 0 đồng và trở thành ngân hàng 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước từ ngày 5.3.2015, các dữ liệu tài chính mới đây dần dần hé lộ về thực trạng tài chính tại CBBank ở thời điểm hiện nay.

Thông tin của CBBank cho thấy số vốn điều lệ cập nhật mới nhất và mối quan hệ với ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Chụp màn hình

Cụ thể theo các thông tin được đăng tải trên website chính thức của ngân hàng CBBank, sau nhiều năm vật lộn với khó khăn và thu hồi nợ, hiện vẫn chưa thấy các dữ liệu của CBBank về kết quả xử lý số lỗ lũy kế được công bố. 

Tuy nhiên tính thời điểm 30.11.2019, số liệu lũy kế về xử lý và thu hồi nợ của CBBank đạt trên 5.500 tỉ đồng đối với nhóm nợ thu hồi theo bản án và trên 800 tỉ đồng thu hồi nhóm nợ nhỏ lẻ.

Tổng tài sản của CBBank tính đến thời điểm cuối năm 2019 đạt trên 20.000 tỉ đồng, trong đó số dư huy động vốn tăng ròng gần 4.000 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2018 và doanh số tín dụng tăng ròng trên 1.000 tỉ đồng, tương đương 10% so với năm 2018. 

Đáng chú ý, các thông tin trên website chính thức của CBBank cũng cho hay, năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CBBank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và cũng hoàn thành 100% các chỉ tiêu.

Trong số này tổng số dư huy động đạt hơn 20.000 tỉ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỉ đồng.

Riêng trong năm 2023, thông tin cho hay CBBank đặt chỉ tiêu số dư huy động dự kiến tăng ròng 10.000 tỉ đồng, giữ vững số dư 5.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng 2022 và tăng ròng trên 5.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng 2023.

Luật Các Tổ chức tín dụng 2017 quy định phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao.

Trường hợp này, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc đối với trường hợp ngân hàng được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Trong khi đó, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) cho hay, sau nhiều năm hoạt động trở lại, ngân hàng đang có vốn điều lệ đạt 3.000 tỉ đồng cùng một hệ thống mạng lưới gần 100 điểm tại nhiều tỉnh thành, với hơn 1.300 nhân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn