MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Goldmark City của TNR Holdings. Ảnh: H.L.

Thực lực TNR Holdings: Nợ phải trả cao ngất và rủi ro dòng tiền âm

Tùng Thư LDO | 15/07/2021 07:33

Trong nhiều năm liên tiếp, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) luôn duy trì tỉ số nợ trên tổng tài sản ở mức trên dưới 90%. Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh âm trong 4 năm liền cũng là một chỉ báo xấu cho sức khỏe tài chính của TNR Holdings.

Đòn bẩy nợ cao

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, TNR Holdings được thành lập tháng 6/2016.

Từ khi ra đời tới nay, TNR Holdings đã phát triển nhiều dự án bất động sản lớn ở những vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP. HCM như TNR Goldmark City, TNR Goldsilk Complex, TNR The GoldView, TNR GoldSeason… Ngoài ra, TNR Holdings còn vươn ra nhiều địa phương, phát triển thương hiệu TNR Stars như TNR Stars Tân Trường, TNR Stars Lục Yên, TNR Stars Cao Bằng, TNR Stars Bắc Giang, TNR Stars Bích Động, TNR Stars Diễn Châu...

Song, thực lực của đại gia địa ốc này ra sao vẫn còn nhiều bí ẩn.

Báo cáo tài chính của TNR Holdings cho thấy thời gian đầu mới đi vào hoạt động (31.12.2016), tổng tài sản của TNR Holdings ở mức 14,22 tỉ đồng, được hình thành từ 14,1 tỉ nợ phải trả (chiếm hơn 99%) và chỉ có 119,9 triệu đồng vốn chủ sở hữu.

Năm 2017, TNR Holdings tăng vốn lên 500 tỉ đồng, tổng tài sản ở mức 848,5 tỉ đồng, nợ phải trả xấp xỉ 348 tỉ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn (274,9 tỉ đồng).

Bắt đầu từ năm 2018, quy mô tài sản của TNR Holdings tăng mạnh, cùng với đó là sự tốc biến của nợ phải trả.

Cụ thể, kết thúc năm 2018, tổng tài sản của TNR Holdings ở mức 8.202 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 501 tỉ đồng, nợ phải trả tăng gấp hơn 22 lần từ xấp xỉ 348 tỉ đồng (2017) lên 7.700 tỉ đồng (2018).

Năm 2019, TNR Holdings tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 15.943 tỉ đồng, nợ phải trả tăng lên 14.941 tỉ đồng. Như vậy, tỉ số nợ phải trả trên tổng tài sản của TNR Holdings là 93,7%; hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là xấp xỉ 15 lần. Các con số trên cho thấy TNR Holdings sử dụng đòn bẩy nợ rất cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ. Nợ phải trả của TNR Holdings chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn (12.451 tỉ đồng, chiếm hơn 83%).

Năm 2020, quy mô tài sản của TNR Holdings giảm từ 15.943 tỉ đồng xuống 13.950 tỉ đồng. Phần lớn tài sản của TNR Holdings tập trung ở các khoản đầu tư tài chính (6.912 tỉ đồng), trong đó đầu tư vào công ty con là 5.609 tỉ đồng, công ty liên kết là 1.192 tỉ đồng và 110 tỉ đồng đầu tư vào các đơn vị khác.

Tiếp đến là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (3.214 tỉ đồng) và các khoản phải thu. Tại ngày 31.12.2020, TNR Holdings có hơn 268 tỉ đồng tiền và tương đương tiền, giảm gần 55% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù năm 2020, TNR Holdings đã tăng vốn lên 2.000 tỉ đồng nhưng vẫn có đến 85,5% tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bởi nợ (11.929 tỉ đồng). Phần lớn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn (9.872 tỉ đồng) và gần 603 tỉ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu xấp xỉ 6 lần.

Rủi ro dòng tiền âm

Kết thúc năm 2020, TNR Holdings ghi nhận 350,78 tỉ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ - tăng 67% so với 2019 (hơn 210 tỉ đồng), lợi nhuận gộp đạt 251,96 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại rơi từ 60,27 tỉ đồng xuống 38,61 tỉ đồng. Kết quả, sau khi trừ đi các chi phí, TNR Holdings lãi sau thuế 18,62 tỉ đồng. Trước đó, lãi ròng của TNR Holdings chỉ loanh quanh ở mức vài trăm triệu đồng, thậm chí năm 2018 còn lỗ hơn 1,3 tỉ đồng.

Ở một khía cạnh khác, “người mua trả tiền trước” và “doanh thu chưa thực hiện” là 2 khoản mục giúp doanh nghiệp bất động sản đảm bảo ghi nhận được doanh thu, lợi nhuận trong tương lai, báo cáo tài chính 2020 cho thấy khoản “người mua trả tiền trước” của TNR Holdings là hơn 12,5 tỉ đồng. Doanh nghiệp không ghi nhận “doanh thu chưa thực hiện”.

Mặc dù có thay đổi tích cực ở doanh thu và lợi nhuận nhưng dòng tiền kinh doanh là một điểm xám khi nhìn vào bức tranh tài chính nhiều năm qua của TNR Holdings.

Trong 4 năm trở lại đây, dòng tiền kinh doanh của TNR Holdings ngày càng lùi sâu về cực âm. Cụ thể: -454,83 tỉ đồng (2017), -542,46 tỉ đồng (2018), -888,5 tỉ đồng (2019) và -1.241 tỉ đồng (2020).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn