MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tham gia EVFTA, EU có cơ hội nhập khẩu nhiều loại trái cây nhiệt đới từ Việt Nam với giá rẻ. Ảnh: Khánh Vũ

Thực thi EVFTA - Châu Âu cũng đón nhận nhiều cơ hội từ Việt Nam

Vũ Long LDO | 25/06/2020 18:58

Tham gia EVFTA, không chỉ riêng Việt nam có lợi, mà các nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) cũng đón nhận nhiều cơ hội từ Việt Nam.

Cơ hội của EU

Sau gần 8 năm đàm phán, ngày 30.3.2020, Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) được Hội đồng châu Âu thông qua và ngày 8.6.2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiệp định này. Tham gia EVFTA, không chỉ riêng Việt nam có lợi, mà các nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) cũng đón nhận nhiều cơ hội từ Việt Nam.

Trao đổi với PV Lao Động chiều 25.6, TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT) cho biết:

Tham gia vào các Hiệp định thương mại lớn như EVFTA, cả  EU và Việt Nam đều tìm thấy nhiều lợi ích, không chỉ Việt Nam được đón bắt nhiều thời cơ, mà EU cũng có thêm cơ hội để phát triển thương mại, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Cụ thể, thực thi EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam cho EU, Việt Nam cam kết cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản, cam kết về 0% lần lượt năm 1 và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết.

Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm mạnh các dòng thuế sẽ tạo cơ hội cho các nước EU xuất khẩu mạnh vào Việt Nam, dao động từ 15-40% về 0% đối với sản phẩm chăn nuôi, khi EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế của Việt Nam sẽ dần bị dỡ bỏ, chậm nhất trong 13 năm.

Ngành chăn nuôi gặp thách thức lớn nhất

Theo TS Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam cam kết mở cửa rất dè dặt đối với nhóm sản phẩm chăn nuôi, chỉ loại bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với bò, lợn, gà sống nhập khẩu từ EU; loại bỏ thuế theo lộ trình dài 7-10 năm đối với tất cả các loại thịt bò, lợn, gà tươi hoặc đông lạnh.

"Với mức bảo hộ khá kỹ này, tác động của EVFTA đối với ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ được cho là sẽ không quá đột ngột, và ngành sẽ có khoảng thời gian tương đối dài để điều chỉnh, thích ứng với cạnh tranh" - TS Nguyễn Quốc Toản nói.

Theo Bộ NNPTNT, đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, gỗ nguyên liệu đầu vào sản xuất khác như phân bón, thuốc trừ sâu, mức thuế của Việt Nam đang áp dụng không cao, nên việc cắt giảm về 0% EVFTA hiệu lực thì mức độ ảnh hưởng sẽ không nhiều. Tương tự, đối với các loại máy móc nông nghiệp, mức thuế hiện hành đối với nhập khẩu duy trì ở mức thấp (dưới 5% là phổ biến) sẽ cắt giảm 0%, nên cũng không có tác động lớn.

"So với EU, mức cam kết thuế quan mà Việt Nam đưa ra trong EVFTA đối với nhóm rau quả từ EU là khá chặt: Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 17 dòng thuế rau quả và chế phẩm rau quả (tương đương 5,94%);

Xóa bỏ tất cả các dòng thuế thuộc nhóm sản phẩm này trong vòng từ 6-8 năm; Không duy trì bất kỳ biện pháp hạn ngạch nào với nhóm sản phẩm này" - ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, ví dụ như gạo (tăng thêm 65% vào năm 2020), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn