MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực thi EVFTA, để phát triển tại thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải rất nỗ lực. Ảnh: Ngọc Hân

Thực thi EVFTA: Thị trường EU không dễ, nhưng quyết tâm sẽ làm được

Vũ Long LDO | 05/08/2020 15:34

Khi thực thi EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự "chuyển mình", để trụ vững ở thị trường Châu Âu.

Bài toán chất lượng và nguy cơ tranh chấp thương mại

Là một doanh nghiệp có trên 10 năm xuất khẩu sản phẩm là cửa gỗ, nội thất gỗ công nghiệp sang EU - ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodland chia sẻ: Doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường EU, nhất định phải có sự chuẩn bị dài hơi và xây dựng chiến lược tổng thể để tồn tại và phát triển. Thị trường EU không phù hợp với những doanh nghiệp chỉ có ý định làm việc theo kiểu "tranh thủ", ngắn hạn.

EU đánh giá rất nhiều góc độ, nhưng xoay quanh chủ yếu đến yếu tố pháp luật, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động. Đối với một số doanh nghiệp lớn của Châu Âu, ngoài yêu cầu thông thường về nguồn gốc xuất xứ, EU còn có tiêu chuẩn cao hơn như quản lý theo chuỗi, chứng chỉ FSC (chứng nhận bảo vệ rừng) cho nguyên liệu gỗ,…

Trao đổi với PV Lao Động trưa 5.8, chuyên gia kinh tế - PGS TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: Một số doanh nghiệp Việt Nam còn yếu năng lực quản trị, thiếu chiến lược dài hạn và chưa coi trọng thương hiệu cũng như xây dựng chuỗi vững chắc, kết nối kinh doanh thấp… đó là những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàn Thái, thực thi Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức lớn hơn, bởi đây là thị trường có mức thu nhập cao và có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ. DN Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này phải vượt qua được các hàng rào kỹ thuật rất khắt khe.

Ở góc nhìn của mình, ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam lưu ý về những thách thức mà doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt như: Tranh chấp thương mại; đầu tư; nhân công, đối tượng và độ tuổi lao động; chính sách lao động, làm thêm giờ, quy định về ngày nghỉ, môi trường làm việc, chính sách an sinh xã hội, quyền của lao động nữ…

Nâng mình lên để phát triển tại thị trường EU

Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính), EVFTA tạo ra một sức ép buộc các doanh nghiệp Việt Nam trong nước phải tự thay đổi mình, phải tự nâng mình cao lên ngang với tầm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thế giới.

Doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị dài hơi và xây dựng chiến lược tổng thể để phát triển tại thị trường EU. Ảnh: Thanh Cẩm

"Đây là điều rất cần thiết, có thể sẽ có một số doanh nghiệp không đủ khả năng cạnh tranh, phải phá sản. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp sẽ nâng mình lên” – PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Để “bám rễ” bền chặt tại thị trường EU, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chỉ rõ: Một trong những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.

Trong đó cần đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU...

Còn theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, bản năng, sự nhạy cảm trong kinh doanh gắn với khả năng tìm giá trị và cộng sinh giá trị nên doanh nghiệp sẽ biết tự điều tiết để phù hợp. “Trước khi vào WTO, chúng ta ai cũng lo, nhưng kết quả cho thấy Việt Nam đã phát triển mạnh” – PGS-TS  Nguyễn Thường Lạng nói.

Tham gia EVFTA, thương mại hàng hóa Việt Nam không tránh khỏi những thách thức khi thực thi các cam kết, nhất là yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam có thể khó đáp ứng. Ví dụ, đối với nhân điều, EU quy định phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu tại Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam nhập điều nguyên liệu lên đến 63%, chủ yếu từ Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn