MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh nhất từ trước đến nay nhờ EVFTA. Ảnh: Nhật Hồ

Thực thi EVFTA: Xuất khẩu tôm sang EU đạt mức tăng trưởng cao nhất

Vũ Long LDO | 22/09/2020 17:25

Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8.2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm tới nay nhờ tác động tích cực của EVFTA.

Xuất khẩu tôm đạt mức tăng trưởng cao nhất

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tháng 8.2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ (tăng 28,6%), EU (tăng 15,7%), Hàn Quốc (10,2%), Anh (tăng 16,4%), Canada (tăng 17,2%), Australia (tăng 20,5%).

VASEP cũng đưa ra thông tin đáng chú ý về xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong tháng 8.2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA.

Trong đó, xuất khẩu tôm sang Hà Lan và Bỉ tăng trưởng lần lượt 15% và 41% so với tháng 8.2019. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 313,7 triệu USD.

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Trước đó, do ảnh hưởng của COVID-19, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, sau khi tăng trưởng nhẹ trong tháng 7.2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đã ghi nhận mức tăng trưởng 15,7% đạt 58,8 triệu USD trong tháng 8.2020, là tháng đầu tiên thực thi Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA).

Kỳ vọng xuất khẩu tôm bật tăng vào cuối năm

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8.2020 đã mang đến nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam sang EU về 0%, tôm chế biến sẽ có lộ trình giảm thuế từ 5-7 năm.

Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng GSP (Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) nhằm mục đích giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu hàng hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển), không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.

Thông Thuận là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu tôm sang EU theo EVFTA. Ảnh: Anh Thơ

VASEP cũng nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.

"Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng" - ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết .

Với những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu tôm Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới. Cả năm 2020, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,6 tỉ USD, tăng 8% so với năm 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn