MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca sĩ Khánh Phương hiện là thành viên HĐQT của CTCP Sông Đà 1.01. Ảnh: NVCC

Thực trạng bết bát của doanh nghiệp ca sĩ Khánh Phương bán chui cổ phiếu

Anh Kiệt LDO | 29/06/2023 11:30

CTCP Sông Đà 1.01 - doanh nghiệp ca sĩ Khánh Phương làm cổ đông lớn - suốt 5 năm không tổ chức đại hội cổ đông thường niên và 8 năm không chia cổ tức.

Liên tục bán chui thu lãi hàng tỉ đồng

Vừa qua, ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt tổng cộng 245 triệu đồng vì mua bán chui cổ phiếu.

Trong đó gồm 3 vi phạm: Thứ nhất, trong 4 tháng từ ngày 23.6.2022 đến 28.10.2022, ông Phương đã mua hơn 3 triệu cổ phiếu SJC của CTCP Sông Đà 1.01 để tăng tỉ lệ nắm giữ từ 0% lên 45,5%.

Đến ngày 23.12.2022, khi tỉ lệ sở hữu còn 24,69%, ông Phương đã thực hiện giao dịch mua 100.000 cổ phiếu SJC và bán 21.800 cổ phiếu SJC, qua đây điều chỉnh tỉ lệ sở hữu tăng lên 25,81% nhưng không thực hiện đăng ký chào mua công khai.

Thứ hai, ngày 14.10.2022, ông Phương đã mua 96.600 cổ phiếu SJC dẫn đến tỉ lệ sở hữu khi đó tăng từ 4,17% lên 5,56%, qua đó trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01 nhưng không báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Thứ ba, từ ngày 21.10.2022 đến ngày 30.12.2022, ông Phương liên tục thực hiện mua và bán cổ phiếu SJC, làm thay đổi tỉ lệ sở hữu cổ phiếu của mình và nhóm người liên quan.

Cụ thể, tăng từ 5,56% lên 8,42%; tăng từ 47,66% lên 48,62%; giảm từ 48,13% xuống 24,53%; giảm từ 48,06% xuống còn 47,83%; tăng từ 47,83% lên 48,26%; tăng từ 25,81% lên 26,04%. Ông Phương không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn với HNX khi có thay đổi tỉ lệ sở hữu cổ phiếu SJC.

Đáng chú ý, tính từ tháng 6.2022, cổ phiếu SJC đã trải qua hai con sóng tăng lớn từ 400% - 700%. Nam ca sĩ nhờ đó thu lãi hàng tỉ đồng nhờ liên tục mua vào bán ra như bên trên.

Có những phiên giao dịch chỉ cần trao tay 500 cổ phiếu cũng giúp SJC tăng kịch trần. Ảnh: fireant

Nợ gấp 16 lần vốn chủ sở hữu

Theo tìm hiểu, sau khi rời HNX, CTCP Sông Đà 1.01 chuyển sang sàn UPCOM từ ngày 2.7.2021 với hơn 7,2 triệu cổ phiếu niêm yết. Ngay sau khi chào sàn UPCOM, cổ phiếu SJC bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do tình trạng bị hủy niêm yết và chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết.

Điều đáng nói, từ năm 2019 đến nay, nhà đầu tư gần như không ghi nhận bất kỳ biên bản họp Đại hội cổ đông thường niên nào của Sông Đà 1.01. Suốt 5 năm liền, doanh nghiệp không họp Đại hội cổ đông thường niên (cuộc họp ngày hôm qua 28.6 đã bất thành). Suốt 8 năm qua, từ năm 2014, CTCP Sông Đà 1.01 không chia cổ tức cho cổ đông.

Về tài chính, từ năm 2022 đến nay, công ty liên tục lãi lỗ đan xen với biên độ không vượt quá 5 tỉ đồng. Lãnh đạo SJC vì thế nhiều năm không hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh.

Tính đến ngày 31.12.2022, nợ phải trả của SJC là 1.549 tỉ đồng, chiếm 94% tổng tài sản và gấp hơn 16 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó nợ vay tài chính là 582 tỉ đồng, dẫn đến phải trả hơn 4,4 tỉ đồng lãi vay trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn