MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu của ngư dân Đinh Văn Tiếp được đóng mới cẩn thận nên đang phát huy hiệu quả tốt. Ảnh: X.H

Thực trạng tàu vỏ thép 67 ở Thanh Hoá: Ngư dân phải vay nóng để ra khơi

Xuân Hùng LDO | 11/07/2017 06:41
Đi liền với sự hư hỏng của các con tàu 67 là những cục nợ ngày càng to dần. Hầu hết các chủ tàu đều trong tình cảnh “hồn treo cột buồm” khi nhà cửa gia tài đã cầm cố, vay mượn. Thực tế, nếu không hư hỏng, tàu vỏ thép 67 khai thác rất có hiệu quả. Vấn đề hiện nay là cần làm thế nào để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển chứ không phải mất tàu, mất nhà, treo lưới bỏ nghề.

Tàu hỏng, cục nợ to dần

23 con tàu vỏ thép ở Thanh Hoá đều có giá tương đương nhau, từ 14,1 đến 17,1 tỉ đồng; duy tàu dịch vụ hậu cần của Cty Nam Thanh (Quảng Tiến, Sầm Sơn) do Cty Thịnh Long (Nam Định) đóng là có giá 30,7 tỉ đồng. Để đóng được các con tàu hiện đại này, vốn chủ yếu từ vay ngân hàng, các chủ tàu chỉ có vốn đối ứng vài trăm triệu. Tiền lãi được Nhà nước hỗ trợ 0,6%, chủ tàu chỉ phải trả 0,1%. Mỗi tháng, chủ tàu phải trả cho ngân hàng cả gốc và lãi hơn 100 triệu đồng.

Mỗi con tàu vươn khơi cần có từ 10-12 thuyền viên. Lương mỗi thuyền viên trung bình khoảng 12 triệu. Như vậy, mỗi tháng chủ tàu phải chi khoản này từ 100 - 150 triệu đồng, dù tàu hỏng, nằm bờ vẫn phải trả vì hợp đồng ký theo năm. Thêm vào đó là tiền dầu, đá, mua vật tư thay thế hỏng hóc… Tổng một tàu phải chi hằng tháng hơn 300 triệu đồng. Chỉ cần tàu hư hỏng, nằm bờ một tháng là cục nợ to lên chừng ấy, trong khi không kiếm được đồng nào. Chưa kể, một số tàu chưa hạ thuỷ đã phải trả lãi và gốc cho ngân hàng vì giải ngân chậm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng NNPTNT Thanh Hoá là 2 đơn vị cung cấp tài chính cho việc đóng tàu. Không chỉ yêu cầu thế chấp bằng chính con tàu, các ngân hàng còn “cầm đằng chuôi” khi yêu cầu các chủ tàu phải thế chấp cả nhà, đất. Vì vậy, khi cần vốn đầu tư cho một chuyến vươn khơi, các chủ tàu đều rơi vào tình trạng không còn gì để cầm cố, đành đi vay tín dụng ngoài với lãi suất cao.

Với tình trạng “9 chuyến ra khơi 9 chuyến hỏng” như Lao Động đã phản ánh, hầu hết các tàu vỏ thép ở Thanh Hoá đều đang trong tình trạng càng chạy càng lỗ. Ông Lê Văn Còng (Hoằng Trường, Hoằng Hoá) sau 8 chuyến vươn khơi đang lỗ, nợ hơn 300 triệu đồng. Ông Lê Văn Lực (Hoằng Trường) sau 9 chuyến ra khơi chuyến nào cũng hỏng hóc hiện đang gánh nợ hơn 500 triệu đồng, chủ yếu tiền vay lãi ngoài. Ông Nguyễn Văn Dự (Hoà Lộc, Hậu Lộc) nợ gần 300 triệu đồng, vay khắp nơi và “gia đình lúc nào cũng buồn”, còn ông Nguyễn Duy Muộn (Quảng Cư, Sầm Sơn) thì “mở mắt ra thấy tàu nằm chình ình sửa chữa là thấy cục nợ to dần lên, đến nay nợ gần tỉ đồng”…

Không hỏng, tàu vươn khơi hiệu quả

Với lợi thế vỏ thép, công suất lớn, tàu 67 có thể vươn khơi xa dài ngày, đến với những ngư trường lớn nên hiệu suất khai thác cao hơn rất nhiều tàu vỏ gỗ trước kia.

Khảo sát của Lao Động cho thấy, với những tàu không bị hỏng hóc thường xuyên, có thể đánh cá trên 20 ngày/chuyến đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tàu của ông Đinh Văn Tiếp (Ngư Lộc, Hậu Lộc) công suất 800CV đóng mới tại Cty Đại Dương. Vốn vay Ngân hàng BIDV 15,3 tỉ đồng, vốn đối ứng 800 triệu. Từ khi hạ thuỷ đến nay, tàu đã vươn khơi 8 chuyến, chỉ bị hư hỏng nhẹ, tự khắc phục trên biển nên đem lại thu nhập tương đối ổn định. Trung bình mỗi chuyến biển (1 tháng) ông thu về 600 - 700 triệu đồng, trừ các chi phí, trả gốc, lãi ngân hàng ông cũng tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng/tháng.

Tương tự, tàu ông Hoàng Văn Điều (Ngư Lộc) cũng đóng ở Cty Đại Dương. Đến nay tàu khai thác tốt chủ yếu ở ngư trường Trường Sa. Qua 4 tháng đi biển, trừ chi phí, trả gốc và lãi ngân hàng, ông còn để lại hơn 1 tỉ đồng, ông mới mua chiếc xe con 4 chỗ tiện đi lại giao dịch trên bờ…

Một số tàu ít hỏng hóc, mang lại hiệu quả cao như của ông Điều, ông Tiếp nói trên là do sự sát sao, tâm huyết của chính các chủ tàu. Trong quá trình thi công ở cơ sở đóng tàu, không ngày nào ông Tiếp, ông Điều không có mặt. “Chúng tôi theo dõi, quan sát thi công từng mối hàn, từng con ốc vít một cách chặt chẽ, đồng thời thường xuyên quan tâm bồi dưỡng anh em công nhân đóng tàu, động viên họ làm tàu mình cho tốt” - ông Tiếp cho hay. Quan điểm của ông Tiếp là đóng cái tàu để gắn bó với nó nên hết sức cẩn trọng.

Với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, những ngư dân này nhận thấy một số hạng mục theo bản vẽ thiết kế không phù hợp nên ngay từ khi thi công đã chủ động đề nghị đơn vị đóng tàu cho tự thi công, đặc biệt đối với hệ thống tời, sào, lưới chụp. Một số tàu ít hư hỏng đã minh chứng tính hiệu quả của tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Các chủ tàu hư hỏng đều mong muốn trong tình trạng tàu nằm bờ, không đi khai thác được ngân hàng có thể dãn nợ để họ tập trung đầu tư đi khơi về có tiền để trả. Các tàu hay hư hỏng cần phải sửa chữa lớn, kể cả thay mới triệt để một số hạng mục đảm bảo vươn khơi dài ngày chứ không phải cứ loay hoay hỏng - sửa rồi lại hỏng như lâu nay.

Với những con tàu 67 đang và sẽ đặt ky cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá - đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 rà soát, báo cáo tình hình để có các phương án tháo gỡ hiệu quả cho ngư dân.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn