MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức thuế VAT tăng từ 3% lên 10%, đối tượng chịu thuế không phải là tài xế. Ảnh: Thế Lâm.

Thuế VAT trước đây 3%, nay lên 10%, còn 7% đã đi về đâu?

Thế Lâm LDO | 10/12/2020 06:00

Tiếp tục bàn luận về mức thuế VAT dịch vụ xe công nghệ tăng lên 10%, thạc sĩ luật Lê Minh Khoa (Đại học Jean Moulin Lyon III, Cộng hòa Pháp) khẳng định, về nguyên tắc giá cước của Grab hay các ứng dụng khác khi thu của người tiêu dùng là giá cost, đã bao gồm khoản thuế VAT trong đó.

Trước đây, cơ quan thuế chỉ thu mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 3% đối với Grab và tài xế là vì còn vướng về hành lang pháp lí trong việc thống nhất xác định loại hình hoạt động của Grab, Go-Viet…

Nay với Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã xác lập rõ loại hình hoạt động của các ứng dụng đặt xe, thạc sĩ Lê Minh Khoa (Đại học Jean Moulin Lyon III, Cộng hòa Pháp) đồng tình với quan điểm rằng, việc thu mức 10% thuế VAT chính là thu đúng và thu đủ. Grab cũng như các doanh nghiệp vận hành ứng dụng đặt xe khác phải có trách nhiệm khấu trừ từ doanh thu cuốc xe khoản 10% đó để đóng cho nhà nước.

Cũng theo phân tích của thạc sĩ Khoa, điều đó không có nghĩa là trước đây nhà nước chỉ thu mức thuế VAT 3% thì 7% còn lại là của Grab và đối tác tài xế. Bởi như đã nói, bản chất của thuế VAT là loại thuế tiêu dùng gián thu, người tiêu dùng đóng cho nhà nước thông qua việc thu hộ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc bán hàng.

Vậy 7% kia đã đi về đâu trong những năm qua?

Trên thực tế, dù nhà nước thu mức 3% hay 10% thuế VAT đối với dịch vụ xe công nghệ thì người tiêu dùng là khách hàng cũng đã chi trả một lần chứ không hề nhận được phần hoàn lại khoản 7% mà nhà nước chưa thu đến.

Trên thực tế, khoản 7% còn lại đó, lâu nay được xem là doanh thu của Grab và thu nhập của tài xế, chia theo tỉ lệ Grab-tài xế là 20%-80% hoặc 25%-75%. Theo thạc sĩ Khoa, trong trường hợp theo Nghị định 126 nhà nước tăng mức thuế VAT lên 10% cũng đồng nghĩa là thu nốt khoản 7% còn lại, thì về nguyên tắc số tiền này phải chảy ngược từ phía Grab và tài xế về cho nhà nước, chứ người tiêu dùng không phải đóng thêm thuế hoặc phía Grab cũng không được thu thêm thuế từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi các tài xế phải “trả lại” khoản 7% thuế VAT trên, về mặt cảm xúc chủ quan cũng như về nhận thức, họ cho rằng họ đang bị mất, bị lấy đi. Còn cách Grab tăng mức khấu trừ, theo thạc sĩ Khoa, có thể chưa minh bạch hoặc chưa truyền thông đủ rõ ràng, hoặc cũng có thể về nhận thức giới tài xế chưa hiểu rõ hết.

Thạc sĩ Khoa cho rằng, vấn đề ở đây thuộc về mối quan hệ giữa Grab và tài xế chứ phía Grab không được nại lí do vì nhà nước tăng thuế cho nên Grab phải tăng chiết khấu hay khấu trừ… Vì về bản chất, nhà nước thu mức thuế VAT 3% hay 10% thì khoản thuế VAT (số tiền đó) vẫn còn nằm trong khoản doanh thu cuốc xe mà Grab đã thu về và sau đó ăn chia với đối tác tài xế.

Và thạc sĩ Khoa cũng phân tích thêm rằng, trong sự phản ứng của tài xế đối với Grab mấy ngày qua, cũng có một phần nguyên nhân từ tâm lí của họ nghi ngờ việc bị tăng chiết khấu (thực chất là khấu trừ thêm khi thuế VAT tăng lên 10%) nhưng liệu Grab có khai thuế khoản thu thêm từ tài xế để đóng cho nhà nước hay không.

Việc kiểm tra, giám sát vấn đề này thuộc về cơ quan thuế. Và doanh nghiệp nếu không khai đúng, khai đủ thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn