MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức thuế VAT đối với dịch vụ xe công nghệ tăng lên 10% từ ngày 5.12.2020. Ảnh: Thế Lâm.

Thuế VAT xe công nghệ 10%, tài xế “kêu”, tiền thuế là của ai?

Thế Lâm LDO | 09/12/2020 19:55

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, từ ngày 5.12, mức thuế VAT đối với dịch vụ xe công nghệ tăng lên 10%.

Tăng từ 3% lên 10%, thu từ ai?

Cần biết rằng trước đó, thực hiện theo Thông tư 103/2014/TT-BTC, dịch vụ xe công nghệ với các đối tượng liên quan gồm các doanh nghiệp vận hành ứng dụng như Grab, Go-Viet, Be… và đối tác tài xế phải chịu mức thuế giá trị gia tăng (VAT) tính trên doanh thu cuốc xe là 3%.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp còn chịu thêm một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu là 2%, trong khi các đối tác tài xế phải chịu thêm mức thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu là 1,5%.

Tuy nhiên, tùy theo từng doanh nghiệp (có trách nhiệm thu hộ cho nhà nước), mức thuế thu nhập cá nhân và VAT đối với tài xế được thu ngay trên từng cuối xe hoặc khấu trừ sau.

Trong 2 sắc thuế trên, theo thạc sĩ luật Lê Minh Khoa (Đại học Jean Moulin Lyon III, Cộng hòa Pháp), thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân là loại thuế thu trực tiếp từ doanh nghiệp và các cá nhân có mức thu nhập phải chịu thuế, ở đây chính là các doanh nghiệp vận hành ứng dụng như Grab, Be, Go-Viet (nay là Go-Jek) cùng với các đối tác tài xế của mình.

Còn sắc thuế VAT, theo thạc sĩ Khoa, bản chất là người tiêu dùng phải đóng cho nhà nước, là loại thuế gián thu, vì thế nếu Grab hay tài xế giữ số tiền đó cũng chỉ được xem là thu hộ và tạm giữ giúp.

Lỗi ở chỗ không rõ ràng

Thạc sĩ Khoa cho rằng, khi Grab hay các ứng dụng đặt xe khác bán ra dịch vụ, mức cước mà hành khách phải trả hay còn gọi là doanh thu cuốc xe, là giá cost, đã bao gồm tất cả các loại chi phí, thuế, phí...

Tuy nhiên, trong những năm qua, các ứng dụng đặt xe như Grab, Uber hay Go-Viet… được xem là một mô hình kinh doanh mới, còn tranh cãi thuộc loại hình dịch vụ kết nối hay dịch vụ vận tải, chưa có hành lang pháp lí phù hợp để quản lí, chính vì thế Bộ Tài chính cũng như cơ quan thuế đã vận dụng Thông tư 103/2014/TT-BTC để thu các loại thuế trên đánh lên doanh thu/thu nhập.

Trong khi đó, các dịch vụ vận tải hành khách khác như taxi truyền thống, đều được áp dụng mức thuế VAT là 10% doanh thu, nghĩa là cao hơn mức áp với Grab, Uber (trước đây), Go-Viet… Chính vì thế, hơn một lần hiệp hội taxi kiến nghị cơ quan thuế cho giảm mức thuế VAT của dịch vụ taxi truyền thống xuống còn 5% vì cho rằng bị thiệt thòi và thiếu công bằng trong cạnh tranh với Grab, Go-Viet… Tuy nhiên, kiến nghị này không được cơ quan thuế đồng tình vì cho rằng không có cơ sở.

Ngày 17.1.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020-NĐ-CP quy định về việc kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô thay thế cho Nghị định 86 trước đó có hiệu lực từ ngày 1.4.2020. Theo Nghị định 10, các ứng dụng đặt xe như Grab, Be… là loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

Việc xác lập bằng hành lang pháp lí về loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đối với các ứng dụng đặt xe như trên chính là cơ sở khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP ra đời (có hiệu lực từ ngày 5.12) áp mức thuế VAT đối với Grab cũng như đối tác là 10%, bằng với mức mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lâu nay phải tuân thủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn