MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa hè thu ở An Giang. Ảnh: Lục Tùng

Thương hiệu quốc gia và hành trình gạo Việt

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp LDO | 05/02/2022 08:29

Xuất hiện hàng ngày qua mỗi bữa ăn, không chỉ là nguồn cung dinh dưỡng, tạo sinh kế, mà lúa gạo còn là ngành kinh tế nông nghiệp quan trọng, nhiều ý nghĩa nhân văn. Gạo Việt có thành tích rất đáng tự hào, nhưng cũng trước nhiều thách thức. Năm hết, Tết đến, tìm mới trong câu chuyện cũ với hành trình gạo Việt.

Từ trong quá khứ

Đời sống dân Việt gắn liền với lúa gạo, tạo ra nền “văn minh lúa nước”. Lúa gạo nuôi dân tộc Việt lớn lên, từ thuở khai hoang lập ấp đến đánh giặc giữ nước và xây dựng quê hương. Lúa gạo không chỉ là ngành kinh tế lo ăn cho gần trăm triệu dân, cung cấp 20% sản lượng gạo thương mại toàn cầu, mà còn theo suốt cuộc đời mỗi người, có mặt hàng ngày qua mỗi bữa cơm của người giàu lẫn người nghèo.

Phụ nữ xưa mới sinh con thường dùng “cơm rượu” cho ấm tỳ. Lễ thôi nôi luôn có nắm xôi (cơm nếp) bên cạnh cục đất, cây viết… cho đứa bé chọn lựa với mong ước sau này lớn lên có ruộng, có vườn cùng với tri thức mưu sinh. Mời tiệc nhau, người ta gọi là “dùng cơm thân mật”. Ở nhiều nơi còn có phong tục chào nhau bằng câu “ăn cơm chưa?” như là sự quan tâm hàng đầu khi thăm hỏi.

Bữa cơm hằng ngày thành giềng mối mọi gia đình Việt. Sống là vậy, đến lúc chết, ai cũng có mâm cơm đầu năm. Ngày giỗ thì gọi là “cúng cơm”. Tất nhiên, trong lễ “rước ông bà” dịp cuối năm về ăn Tết với con cháu cũng không thể thiếu món thịt kho, cơm trắng. Người Việt trân trọng lúa gạo gọi là hạt ngọc.

Cùng với ngành Nông nghiệp Việt Nam, lúa gạo đất Chín Rồng đã tạo ra kỳ tích bằng đường bay của con rồng Châu Á. Một Nam Kỳ lục tỉnh từng là thuộc địa xuất khẩu gạo từ những năm 1860, trở thành nguồn cung gạo ăn cho nhiều quốc gia. Việt Nam là nước thiếu lương thực những năm cuối thập niên 1970 - 1980, nhưng từ năm 1989, chỉ sau 3 năm Đổi mới, khi tham gia xuất khẩu gạo trở lại, nước ta đã nhanh chóng nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Hạt gạo đồng bằng và người làm ra lúa gạo đã vượt qua những cơn lũ lớn, những trận hạn mặn lịch sử những năm 2016, 2020, di chứng của thiên tai, biến đối khí hậu, nước biển dâng và cả đối mặt trước nhân tai khi con người chạy theo lợi ích kinh tế, làm trái quy luật tự nhiên. Năm châu ngắm nhìn hạt gạo đồng bằng đầy ngưỡng mộ và nó thực sự xứng đáng được đặt vào vị trí trang trọng nhất trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng chống đói nghèo thế giới. Nhưng đến nay, hạt gạo Việt vẫn đang phát triển trong thế nghiêng mình, cần một cuộc chuyển đổi lớn.

Chuyển đổi số cho hạt gạo Việt

Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia và mang tính toàn cầu. Những thành tích đã qua không phải là một đảm bảo cho thành công tới. Nhìn tổng thể, ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ không dễ dàng vượt qua sức ỳ nếu sản xuất nông nghiệp theo lối mòn tư duy nặng đầu vào, nhẹ đầu ra, tăng điện tích, mùa vụ, sản lượng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe theo các phân khúc thị trường.

Nhu cầu dùng gạo của thị trường xuất khẩu lẫn nội địa đã, đang và tiếp tục thay đổi sang cấp độ cao hơn. Nếu khi xưa người ta dùng cơm ăn để no, chuyển sang ăn ngon, thì nay đòi hỏi ăn phải an toàn và phòng, chữa bệnh. Thị trường không còn duy nhất một sản phẩm gạo ăn cho mọi người dùng.

Ngành lúa gạo nước ta đã có bước chuyển từ dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, nông nghiệp truyền thống sang kinh tế tri thức, nhưng cần tăng tốc hơn nữa để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Muốn làm được điều đó, gạo Việt rất cần trợ lực và sức bật mới từ các ngành công nghiệp sau gạo có giá trị gia tăng như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản… bằng công nghệ đầu tư, chế biến sâu và cuộc chuyển đổi số toàn diện cho ngành hàng lúa gạo.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp.

Sự tiếp cận vùng, theo chuỗi ứng dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số (digital economy), kinh tế chia sẻ (sharing econom) không xa lạ với nông dân và người tiêu dùng thời gian gần đây, nhưng “lúa gạo digital” cần các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ các tác nhân tham gia quy trình trong mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, lợi ích.

Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp mới và “chuyển đổi số” cho hạt gạo Việt đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng theo định hướng một chuỗi chất luợng mở.

Lời giải cho bài toán mới

Trong khi nhiều quốc gia sản xuất lúa và tiêu dùng gạo đã có những điều chỉnh quan trọng về chính sách, thì chúng ta cũng phải có một “hệ điều hành” mới cho ngành lúa gạo, sao cho vẫn giữ vững nguyên tắc “2 bảo đảm” - an ninh lương thực quốc gia và thương mại hóa, công nghệ hóa ngành hàng lúa gạo. Lời giải cho bài toán này cần sự tiếp cận đa ngành, cần quy mô sản xuất lớn hơn, tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn và sự chuyển đổi tận gốc rễ phương thức “làm như mọi khi” sang sản xuất hàng hóa để tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Phải hướng đến mục tiêu dài hạn để thích ứng, vùng đất này phải tiếp tục được đầu tư phát triển. Bằng kinh nghiệm sống, sức sáng tạo, ông cha ta đã hình thành tư duy từ “chống lũ”, rồi “né lũ”, đến “sống chung với lũ”, “vượt lên đỉnh lũ” và ngày nay chúng ta đang hiện thực hóa triết lý đó bằng hành động và gắn nó với những kết quả nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để thích ứng bằng chính bản lĩnh Việt Nam.

Song, nông dân vẫn đang rất cần sự dẫn dắt của nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà khoa học và kiến tạo của Nhà nước để tìm mới trong câu chuyện cũ. Thiếu một đảm bảo chắc chắn cho chất lượng và tăng giá trị gạo, sản xuất lúa trong điều kiện mù thông tin thị trường, chưa biết bán cho ai chính là cái vòng luẩn quẩn của nông dân đi tìm giá trị mới trong câu chuyện cũ.

Nền tảng pháp lý, thể chế hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, kết quả đổi mới sáng tạo thông qua các mô hình kinh tế chia sẻ. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, các ứng dụng nền tảng như điện toán đám mây, công nghệ vệ tinh, viễn thám… phải đủ sức tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các ứng dụng nền tảng.

Hành trình mới cho gạo Việt cần tư duy mới, tầm nhìn dài hạn, hiện thực hóa bằng các giải pháp, biện pháp ngắn hạn, nhưng yêu cầu xuyên suốt là phải liên tục đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng được truy xuất nguồn gốc rõ ràng mới được quan tâm, chưa thật sự được đầu tư bài bản.

Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý. Nông dân đang cần tập hợp lại cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra. Vị thế của một cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu không phải không cần, nhưng quan trọng hơn là những giá trị mà nó mang lại. Đó cũng là việc đi tìm giá trị mới trong câu chuyện cũ cho hành trình gạo Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn