MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tại Diễn đàn thương hiệu Việt Nam năm 2019. Ảnh Thái Linh.

Thương hiệu Việt đang ở đâu trên thị trường quốc tế?

CAO NGUYÊN LDO | 29/12/2020 18:50

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai chương trình thương hiệu quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể. Tuy nhiên, đâu đó các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được rõ ràng vai trò của thương hiệu quốc gia.

Hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn

Theo báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới, với 29% lên đến 319 tỉ USD.

Đây là một dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến triển vọng GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế của tất cả các nước trên thế giới.

Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có "tên tuổi" trên thị trường quốc tế.

Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai chương trình thương hiệu Quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần chinh phục.

Chia sẻ về vấn đề này tại buổi tọa đàm về "Định vị và Nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập" vào ngày 29.12, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Phó ban thường trực, Ban Thư ký chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam cho rằng, trong 17 năm qua nhiều hoạt động triển khai như nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội. Câu chuyện thương hiệu được quan tâm hơn, tuy nhiên đâu đó các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được rõ ràng vai trò của thương hiệu. Thậm chí, ý thức về giá trị thương hiệu thế nào với doanh nghiệp vẫn còn mông lung.

Theo ông Chiến, xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua xây dựng sản phẩm. Nhiều nước tự bỏ kinh phí ra để đầu tư xây dựng thương hiệu quốc gia đó. “Ở Việt Nam, chúng tôi kiến nghị xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh mới có thương hiệu doanh nghiệp mạnh, từ đó quảng bá Thương hiệu quốc gia”, ông Chiến nói.

Thương hiệu Việt – tạo uy tín cho doanh nghiệp

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc đang mông lung nên khi đưa thương hiệu ra nước ngoài đã bị “thâu tóm”. Cụ thể, ông Hoàng Xuân Hải– Công ty CP Quốc tế VAG cho rằng, trước đây khi đàm phán xuất khẩu với thương hiệu LauDy, bên Nhật thắc mắc, đề nghị đổi sang thương hiệu Nhật Bản. “Lúc đó chúng tôi chấp nhận và mất thương hiệu khi ra nước ngoài”, ông Hải nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho rằng, về vật chất không được gì nhưng đi sâu vào bản chất thương hiệu được rất nhiều, là lòng tin của khách hàng với sản phẩm đó.

Theo ông Phú, 1 sản phẩm khi được công nhận là thương hiệu quốc gia thì đầu tiên người tiêu dùng tăng niềm tin – giá trị vô hình không thể đo đếm được bao nhiêu tiền. Giá trị tinh thần với chủ doanh nghiệp, đội ngũ cho cán bộ, nhân viên, nỗ lực hơn nữa để tạo ra những sản phẩm không làm hổ danh đất nước.

Vị này cho rằng, thương hiệu quốc gia muốn phát triển phải phát triển các hạt nhân là thương hiệu sản phẩm. Tức thương hiệu sản phẩm đi ra ngoài được người dùng tín nhiệm, sử dụng. Từ đó mới trở thành thương hiệu quốc gia.

Ông Phú nêu ví dụ, một đôi giày sản xuất ở Việt Nam thì người dân chỉ nhận được 3-5% giá trị, 70% nằm ở chi phí lưu thông; thuế nhà nước thu được 7-10%; giá trị thương hiệu 10-15%. Bản thân mỗi chủ doanh nghiệp, người dân cần phải hiểu cái gì mang lại giá trị nhất để hiểu và ủng hộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn