MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số tỉnh, thành ĐBSCL đang ở giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024. Ảnh: Mỹ Ly

Thương lái thu mua lúa trở lại, nông dân bán được giá ổn định nhưng vẫn kém vui

MỸ LY LDO | 08/03/2024 07:45

Giá lúa ổn định, một số thương lái cũng bắt đầu thu mua trở lại khiến bà con nông dân phấn khởi nhưng vẫn kém vui do chi phí vật tư nông nghiệp, nhân công… đều leo thang.

Tất bật thu hoạch

Từng thấp thỏm vì thương lái bỏ cọc, lúa chín khô ngoài đồng, đến nay, nông dân Lê Chí Tâm (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) không khỏi vui mừng khi đã có người chịu thu mua lúa.

“Thương lái bỏ cọc, ngừng thu mua, tôi cũng không thể cắt vì không có chỗ chứa. Trong lần thu mua trở lại này, dù giá các thương lái đưa ra thấp hơn thời điểm trước đến 1.700 đồng/kg, tôi vẫn chấp nhận bán ngay vì đã đến kỳ thu hoạch, không thể đợi thêm. Mỗi kg lúa tươi Đài Thơm 8 tôi được thương lái trả 7.800 đồng/kg”, ông Tâm chia sẻ.

Nông dân miền Tây tất bật thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024. Ảnh: Mỹ Ly

Những ngày gần đây, nông dân Nguyễn Thị Trinh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cũng đang tất bật thu hoạch 12 công (1 công = 1.000m2) lúa OM 18 để bán cho thương lái. Nhờ thỏa thuận nhanh chóng, bà chốt được giá 8.000 đồng/kg lúa tươi.

“Từ khi giá lúa bắt đầu giảm, thương lái cũng rục rịch tìm đến thương lượng hạ giá lúa, có nơi thỏa thuận không được còn bỏ cọc. Thấy vậy, trong đợt thu mua vừa rồi, thương lái giảm 200 đồng/kg lúa so với giá nhận cọc ban đầu, tôi vẫn đồng ý thu hoạch ngay”, bà Trinh chia sẻ.

Nông dân này nói thêm, bên cạnh những hộ chấp nhận hạ giá lúa, khi thương lái bắt đầu thu mua trở lại cũng có một số gia đình quyết định neo thêm chờ giá lúa tăng. Tuy nhiên, càng neo, giá lúa càng thấp, cứ một ngày là lại giảm thêm 200 đồng/kg lúa tươi.

Niềm vui chưa trọn

Dù bán được giá tốt, song niềm vui của bà Trinh vẫn chưa thể trọn vẹn bởi vụ Đông Xuân này, năng suất lúa của bà không cao, cộng thêm chi phí vật tư nông nghiệp, nhân công đều tăng.

“Bán được giá 8.000 đồng/kg đã khá cao so với mấy năm trước. Nếu trúng mùa có thể lãi 5 triệu đồng/công nhưng vụ này trồng OM 18 không đạt lắm, chỉ có 775 kg/công. Tiền phân, thuốc, máy cắt cũng tăng từ 10 – 20% nên trừ hết chi phí, mỗi công chỉ còn lãi khoảng 3 triệu đồng”, bà Trinh nói.

Chi phí vật tư nông nghiệp, nhân công… tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nông dân dù lúa bán được giá tốt. Ảnh: Mỹ Ly

Năng suất vụ Đông Xuân 2 năm nay tương đương nhau, đều từ 900 kg – 1 tấn/công, nhưng theo ông Tâm, giá lúa cao mà lợi nhuận lại thấp hơn năm vừa rồi. Nguyên nhân được nông dân này đưa ra là do cùng với giá lúa, chi phí vật tư nông nghiệp, nhân công… đều leo thang theo trong thời gian qua.

“Từ lúc giá lúa tăng, mọi chi phí đều nhảy múa theo. Trung bình tiền thuê người sạ lúa hết 100.000 đồng/công, phun thuốc hết 120.000 đồng/công, máy cắt hết 300.000 đồng/công,… Chưa kể mỗi công phải tốn từ 60 – 70 kg phân bón mà giá phân lại tăng khoảng 30%. Tính toán hết chi phí, tôi còn lãi ít hơn vụ Đông Xuân năm rồi 1,2 triệu đồng/công dù bán được lúa với giá cao hơn đến 600 đồng/kg”, ông Tâm nhẩm tính.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang ngày 7.3, giá lúa duy trì ổn định.Theo đó, lúa IR 50404 dao động từ 7.300 - 7.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.400 - 7.500 đồng/kg; lúa nếp tươi Long An ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 dao động quanh mốc 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động 7.500 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn