MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bán hàng qua livestream là một trong những kênh bán hàng thuộc thương mại đa kênh đang thịnh hành. Ảnh: Thế Lâm

Thương mại đa kênh sẽ bùng nổ thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch

Thế Lâm LDO | 29/01/2022 07:16
Thương mại đa kênh hay còn gọi là mua sắm đa kênh được cho là sẽ giúp thị trường thích ứng và nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Nhận định này không chỉ đối với thị trường quốc tế mà ngay tại Việt Nam.

68% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho biết đầu tư vào đa kênh

Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất từ công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh TMX, các chiến lược được chú trọng trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay và sắp tới của doanh nghiệp là chiến lược đa kênh, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tập trung xây dựng đội ngũ nhân viên nòng cốt và đảm bảo tính liên tục cho doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát của TMX chỉ ra rằng, 68% lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam (qua khảo sát) nói riêng và 40% lãnh đạo toàn khu vực Đông Nam Á nói chung cho biết, đã và đang đầu tư vào chiến lược đa kênh nhằm xây dựng nền móng vững chắc để phát triển trong tương lai. Cùng với đó, 76% lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam và 46% toàn khu vực cũng xem việc đầu tư vào mô hình bán hàng đa kênh là ưu tiên hàng đầu trong 3-5 năm tới.

Xu hướng này được cho rằng nhất quán với thực tế xã hội trong giai đoạn hiện tại, khi người tiêu dùng đã quen dần với việc mua hàng qua kênh thương mại điện tử. Đồng thời, họ cũng bắt đầu quay trở lại phương thức mua sắm truyền thống khi các hạn chế giãn cách được nới lỏng hoặc bãi bỏ.

Do đó, việc tiếp cận đa kênh trở thành một chiến lược phù hợp giúp doanh nghiệp đảm bảo sự hiện diện liên tục và mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng. 

Đa kênh đa điểm chạm

Một báo cáo khác từ Lazada và một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, marketing và tư vấn chiến lược kinh doanh tại Việt Nam cũng vừa được công bố cho hay, việc mua sắm đa kênh đã trở thành xu hướng trong thời gian tới và sẽ giúp gia tăng “điểm chạm” - thúc đẩy doanh thu.

Thương mại đa kênh tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống, sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn cũng như gói hỗ trợ từ nền tảng thương mại điện tử giúp nhà bán hàng tiết kiệm chi phí khi mở rộng hoạt động kinh doanh online.

Trong xu hướng thương mại đa kênh, các phương thức bán hàng sử dụng nội dung tương tác cao, giao tiếp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng như livestream (phát trực tiếp), trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí)… còn được gọi là thương mại xã hội (Social Commerce) đang thịnh hành, sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng. Doanh thu từ bán hàng qua livestream dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022.

Ông James Christopher - Chủ tịch TMX khu vực Châu Á - cho rằng: “Trong những năm tới, nỗ lực số hoá chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự đa dạng chính là những lĩnh vực cần cải tiến và đầu tư của doanh nghiệp để xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt hơn”.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong làn sóng thương mại điện tử thứ 2 năm 2021 vừa qua, thương nhân Việt Nam đã tăng tốc trong chuyển đổi số.

Rõ nét nhất, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đẩy mạnh các kênh trực tuyến để tương tác với khách hàng và bán sản phẩm, trong đó có website, ứng dụng di động của bản thân doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn