MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháng 11.2018, sàn TMĐT Vuivui.com của Thế Giới Di Động đã dừng cuộc chơi. Ảnh chụp màn hình.

Thương mại điện tử 8 tỉ USD nhưng không phải là “chiếc bánh” ngọt ngào

Thế Lâm LDO | 27/12/2019 09:10

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019, qui mô thị trường Thương mại điện tử B2C (từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng) Việt Nam năm 2018 khoảng 8 tỉ USD, tỉ lệ tăng trưởng 30%. Khả năng qui mô thị trường sẽ tăng lên trên 10 tỉ USD trong năm nay, nhưng đó không phải “chiếc bánh” dành cho tất cả.

Qui mô thị trường lớn…

Trong 5 năm trở lại đây tính từ 2015, thị trường Thương mại điện tử Việt Nam luôn có mức tăng trưởng cao. Cụ thể, năm 2015 mức tăng trưởng đến 37% đạt giá trị 4,07 tỉ USD; năm 2016 đạt 23% với giá trị 5 tỉ USD; năm 2017 tăng 24% với giá trị 6,4 tỉ USD và năm 2018 đã qua đạt tăng trưởng 30% với qui mô thị trường là 8,06 tỉ USD.

Với những con số về mức tăng trưởng và giá trị tăng đều, thị trường Thương mại điện tử Việt Nam được ví là “chiếc bánh ngon” và đầy tiềm năng.

Trên thực tế, chốt năm 2018, Thương mại điện tử Việt Nam chỉ kém Indonesia về giá trị (8,06 tỉ USD so với 9,5 tỉ USD) nhưng về tỉ lệ tăng trưởng thì không hề kém cạnh.

Ở góc độ so sánh khác, Việt Nam có khoảng 97 triệu dân số với qui mô thị trường 8 tỉ USD trong khi Indonesia gần 280 triệu dân với qui mô thị trường 9,5 tỉ USD, tính ra giá trị trực tuyến trên mỗi người dân mua sắm của Indonesia còn kém xa so với Việt Nam (khoảng 70 USD so với 200 USD).

Tỉ lệ tăng trưởng của thị trường Thương mại điện tử Việt Nam ở mức cao trên thế giới (nguồn: Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019).

Đây chính là yếu tố tiềm năng mà thị trường Thương mại điện tử Việt Nam được giới đầu tư đánh giá không hề kém cạnh so với Indonesia, vì thế nhiều sàn Thương mại điện tử B2C được mở ra với nhiều khoản đầu tư lớn ào ạt đổ vào.

… nhưng cũng lắm đau thương

Một người từng làm trong doanh nghiệp Thương mại điện tử tại Việt Nam có cách nói ví von: “Thị trường Thương mại điện tử Việt Nam ngon ăn nhưng không dễ nuốt”.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hàng loạt cái tên mà hầu hết là những sàn Thương mại điện tử B2C đã phải dừng cuộc chơi như Beyeu, Lingo, Robins, Vuivui… và mới đây nhất là Adayroi, Lotte.vn.

Nếu những Beyeu, Lingo được cho là thiếu vốn và yếu cả về công nghệ, khả năng quản trị thì Vuivui.com – “đứa con” của “ông lớn” Thế Giới Di Động được cho rằng do dàn đều trên quá nhiều mặt trận nên bị phân tán nguồn lực cũng như còn thiếu những kinh nghiệm, quản trị sâu về Thương mại điện tử.

Thị trường Thương mại điện tử Việt Nam đầy hứa hẹn như đã đề cập nhưng tại đây cũng là nơi nhiều sàn từng nổi lên như cồn phải từ bỏ tham vọng của mình.

Một trường hợp điển hình về sự “khó nhá” của thị trường Thương mại điện tử Việt Nam là năm 2014 VNG bán lại sàn Thương mại điện tử 123Mua.vn cho FPT nhưng sau đó hơn một năm công ty này lại đầu tư vào Tiki. Đến nay, khó có thể nói VNG thành công hay thất bại khi còn đang “mắc kẹt” trong thương vụ này khi Tiki còn cần đến nhiều nguồn tiền để “đốt” trong khá lâu nữa.

Thực tế trên thị trường Thương mại điện tử Việt Nam đã chứng minh quá rõ rằng, và thậm chí là bài học đau thương: Không phải cứ là “ông lớn” ở các lĩnh vực khác, ngay cả là ông lớn về bán lẻ, là có thể thành công khi bước chân sang lĩnh vực Thương mại điện tử B2C.

Mới nhất là sàn Lotte.vn cũng tuyên bố đóng cửa (ảnh chụp màn hình giao diện).

Qui mô thị trường Thương mại điện tử Việt Nam 8 tỉ USD vào năm 2018 và khoảng 10 tỉ USD trong năm nay và tiến đến hàng chục tỉ USD trong những năm tới nhưng chưa bao giờ là “chiếc bánh” ngọt ngào cho tất cả những tham vọng muốn giành “khẩu phần sư tử” tại đây.     

Có những điều đến thời điểm này dường như trở thành bất di bất dịch trên thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam: Không mạnh tiền thì đừng bao giờ làm Thương mại điện tử; có tiền mà không bạo chi thì không thể làm Thương mại điện tử; bạo chi mà không hiệu quả thì đừng nên làm Thương mại điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn