MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thương mại điện tử bùng nổ: Cần hành lang pháp lí phù hợp để phát triển

Vân Hà LDO | 01/05/2023 15:58

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, những món hàng sẽ được giao đến tận nơi mà người mua không cần tốn thời gian, công sức đi đến nơi lựa chọn. Giới trẻ ngày càng ưa chuộng mua đồ online. Xu hướng kinh doanh trực tuyến đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.

Thương mại điện tử lên ngôi

Trước đây, cứ cách 2 -  3 ngày, chị Nguyễn Thảo Phương (Ba Đình, Hà Nội) dành thời gian đi mua sắm thức ăn, đồ dùng sinh hoạt cho gia đình 4 người thì bây giờ, mọi quy trình đều được thao tác trên điện thoại. Có rất nhiều ứng dụng mua sắm online, sàn giao dịch thương mại điện tử để chị Thảo Phương lựa chọn. Chỉ cần ngồi ngay tại nhà, lên danh sách các món đồ cần mua và hẹn ngày, hẹn giờ giao hàng, sẽ có người giao hàng đến tận cửa. Quy trình mua bán diễn ra tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều.

“Việc mua sắm online giúp tôi tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Chưa kể, có rất nhiều chương trình ưu đãi về giá và có đủ hết các mặt hàng mình cần” - chị Thảo Phương nói.

Không riêng chị Thảo Phương, hàng triệu người Việt đã thay đổi hành vi tiêu dùng. Thương mại điện tử đang bùng nổ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng công nghệ, giúp người mua dễ dàng thực hiện giao dịch trên điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và sự chuyển đổi số trong doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, có khoảng 57 - 60 triệu người Việt mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 - 285 USD trong năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Mua sắm trực tuyến đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, tạo dư địa tăng trưởng lớn cho thương mại điện tử. Ảnh: Xinhua

Vẫn còn nhiều thách thức

Thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới, tạo đà và cú hích cho xuất nhập khẩu cũng như đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Dù phát triển mạnh mẽ, song, theo đánh giá của ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mặt trái của thương mại điện tử là tình trạng hàng giả, hàng nhái tăng lên về số lượng. Bên cạnh đó, giao nhận hàng vẫn còn những vấn đề cần được cải thiện hơn để đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, hiện tượng giao hàng bị hỏng, bị lỗi, mất nhiều thời gian nhưng khách hàng khiếu kiện không nhận được phản hồi từ nhà sản xuất...

“Thương mại điện tử đã phát triển nhanh nhưng vấn đề thu thuế bán hàng qua mạng vẫn còn những khó khăn, lúng túng nhất định” - ông Minh nói.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) bày tỏ nỗi lo về vấn đề bảo mật khi thương mại điện tử gắn liền với các hoạt động thanh toán online. Nhiều sàn thương mại điện tử đã đa dạng hoá hình thức thanh toán cho khách hàng. Song, các hình thức thanh toán trực tuyến đã xuất hiện những rủi ro khách hàng bị lộ thông tin tài khoản dẫn đến mất tiền.

“Thực tế, việc khách hàng chưa ý thức đúng mức, đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử chưa đầu tư đúng mức… khiến cho giao dịch thương mại điện tử có nhiều lỗ hổng bảo mật và rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra” - ông Kiên nói.

Để Việt Nam có thể xây dựng và phát triển thị trường thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng: "Cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lí để thương mại điện tử có cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Tiếp đến, việc đầu tư phát triển công nghệ cho khối cơ quan quản lí nhà nước là vô cùng quan trọng để giúp các cơ quan này thực hiện chức năng quản lí nhà nước một cách hiệu quả.

Cuối cùng, việc đẩy mạnh đào tạo liên quan đến thương mại điện tử cũng là điều cần quan tâm. Việc đào tạo chính quy về thương mại điện tử tại các trường đại học nên là định hướng trung và dài hạn trong phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử, đồng thời hoạt động đào tạo tại doanh nghiệp cũng cần được thúc đẩy để cung cấp nguồn nhân lực trước mắt, đáp ứng sự phát triển của thương mại điện tử trong ngân hàng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn