MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Vũ Long

Thương mại điện tử - kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả cho sản phẩm OCOP

Vũ Long LDO | 09/12/2021 08:00

Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, thương mại điện tử là kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả cho hàng nghìn sản phẩm OCOP chất lượng cao.

Giá trị "lõi" của sản phẩm OCOP “gắn sao” vào tim người tiêu dùng

Muối ăn – sản phẩm rẻ, giản dị nhất trong tất cả các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhưng để nâng giá trị sản phẩm, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã cho ra đời 2 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 4 sao: Muối biển sạch và muối biển nhạt ROYAL. Đây là loại muối kép giàu khoáng chất, giảm được từ 27-30% hàm lượng natri so với muối thông thường, được Cục Y tế Dự phòng đưa vào chương trình quốc gia vận động toàn dân ăn giảm muối ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm huyết áp cao, tim mạch, suy thận và đái tháo đường… Đặc biệt, sản phẩm đã được khoa dinh dưỡng bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình đưa vào thử nghiệm lâm sàng/bệnh nhân thận nấu ăn bằng muối biển nhạt ROYAL kết quả rất tốt, có hiệu quả cho người bệnh thận.

Với giá trị gia tăng như vậy, sản phẩm muối của doanh nghiệp đã thành công trong việc “gắn sao” vào tim người tiêu dùng.

Được sự tư vấn hướng dẫn hỗ trợ của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, năm 2020 doanh nghiệp đã đăng ký thêm 3 sản phẩm đó là bột canh nấm bào ngư, bột canh ROYAL, muối xuất khẩu sang Nhật Bản NaDiSal, cả 3 sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đến nay, công ty đã có 5 sản phẩm OCOP 4 sao trên tổng số 20 sản phẩm muối các loại. Cả 5 sản phẩm OCOP của doanh  nghiệp này đều có chất lượng cao tương đương muối ngoại nhập nhưng giá thành chỉ bằng 30%.

Cần đẩy mạnh thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp. Ảnh: Vũ Long

Sau 3 năm nỗ lực triển khai chương trình OCOP, 149 sản phẩm của 53 xã, phường, thị trấn đã được tỉnh Gia Lai công nhận đạt chuẩn chất lượng, trong đó 22 sản phẩm được phân hạng 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao, tăng gần 100 sản phẩm so với mục tiêu đề ra. Các sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, mức giao thương và tiêu thụ hàng hóa đã tăng 20%, cá biệt, một số chủ thể đã xuất khẩu thành công qua Châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA).

Theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia vào ngày 30.6.2021, Quảng Ninh là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao nhiều thứ hai của cả nước, với 3 sản phẩm là Ngọc trai Southsea - ngọc trai Hạ Long; Ngọc trai Akoya - ngọc trai Hạ Long; Ngọc trai Tahiti - ngọc trai Hạ Long của Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long.

Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể.

Tỉnh Quảng Ninh đã phát triển 449 sản phẩm và 175 tổ chức, tạo giá trị doanh thu từ chương trình OCOP đạt 400-500 tỉ đồng/năm. Các sản phẩm OCOP ngày càng được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng đón nhận. Chương trình OCOP thực sự đã trở thành người bạn đồng hành nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu cho tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh các điển hình nêu trên, hiện nhiều địa phương trên cả nước đã đóng góp các phẩm OCOP có chất lượng, tạo chỗ đứng trong tim người tiêu dùng, dần khẳng định giá trị của sản xuất nông nghiệp an toàn, hiện đại trong giai đoạn mới.

Sàn thương mại điện tử - kênh hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả

Mặc dù sản phẩm OCOP đang dần chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng, nhưng dịch COVID–19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ “nút thắt”này, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, trong đó, lên sàn thương mại điện tử là sự lựa chọn nổi bật để đưa sản phẩm đến rộng rãi và gần hơn với người tiêu dùng.

Để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển bền vững, mang đặc trưng vùng miền Tây Nguyên, ngoài xây dựng được 5 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá, phục vụ nội địa và khách du lịch, tỉnh Gia Lai đã xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai với tên miền http://ocopgialai.vn. 

Tại Quảng Nam, dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành, nhiều đơn vị sản xuất OCOP đã tham gia 7 sàn thương mại điện tử gồm Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Voso, Postmart, Bách hóa xanh. Bên cạnh đó, các kênh bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… cũng được đẩy mạnh.

Tại Nghệ An, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP Nghệ An trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, làm “cầu nối” để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử có uy tín.

Đặc biệt, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản OCOP, trong năm 2021, Postmart.vn – sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ 2,5 triệu nông dân Việt Nam đưa nông sản lên sàn, làm tăng tính tiếp cận của các sản phẩm với người tiêu dùng. Bưu điện Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương để lựa chọn, đưa các nông sản đặc trưng, chất lượng cao lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, trong đó, có các sản phẩm OCOP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn