MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vào nửa đầu tháng 7.2021, website bán hàng trực tuyến của hệ thống Co.opmart có rất ít mặt hàng, và việc đặt hàng qua web cũng ngưng trệ trong nhiều thời điểm. Ảnh: Thế Lâm.

Thương mại điện tử: Nhu cầu tăng nhưng chuỗi cung ứng đứt gãy

Thế Lâm LDO | 07/09/2021 18:00

Người dân hạn chế ra đường và đi siêu thị cho nên đã tập trung tìm kiếm trên các kênh thương mại điện tử để mua những loại hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư trong cộng đồng.

Tìm kiếm gia tăng mạnh

Nghiên cứu vừa được iPrice công bố, trong quý 2/2021, ngành bách hóa trực tuyến đã tăng trưởng mạnh trong khoảng thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Cho thấy, nhu cầu tìm kiếm các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau củ quả… gia tăng trong bối cảnh người dân phải thích nghi với giãn cách xã hội.

Cụ thể, lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý 2. Những sản phẩm, mặt hàng thực phẩm tươi sống và thịt cá; đồ uống các loại; thực phẩm đóng gói và rau củ quả được tìm kiếm hàng đầu với các mức tăng trưởng là 99%, 51%, 30% và 11% so với quý 1/2021.

Riêng số lượt tìm kiếm trong tháng 7 tăng 11 lần so với tháng 5 và tăng 3,6 lần so với tháng 6.

Trong quý 2/2021, tổng số lượt truy cập vào top 50 website mua sắm trực tuyến trong bản đồ thương mại điện tử Việt Nam tăng 10% so với quý 1. Còn tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng truy cập vào top 50 website này đạt hơn 1,3 tỉ lượt.

Tuy nhiên trên thực tế, số lượt tìm kiếm gia tăng chủ yếu chỉ phản ánh được một phía nhu cầu của người dân. Phía còn lại là khả năng đáp ứng, nguồn cung lại là câu chuyện khác.

Bởi trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 tăng cường nghiêm ngặt, nhiều sàn thương mại điện tử lớn, các kênh bán hàng online cũng đình trệ hoạt động.

Thương mại điện tử cũng bị đứt gãy

Trên thực tế, các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo trong thời gian các tỉnh, thành thực hiện giãn cách thì hoạt động tương đối khó khăn. Đặc biệt từ thời điểm ngày 9.7 khi TPHCM bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 và sau đó là Chỉ thị 16 tăng cường, rồi đến mức nghiêm ngặt hơn là “ai ở đâu ở yên đó”, hoạt động shipper đa phần đình trệ.

Ứng dụng bán hàng trực tuyến Speed L của Lotte Mart có thời điểm ngừng nhận đơn đặt hàng mới, còn đơn hàng cũ thì nhiều ngày mới giao hàng. Ảnh chụp màn hình.

Theo ông Đạt Nguyễn – Điều hành chuỗi siêu thị điện thoại Di Động Việt và gần đây chuyển sang cung cấp thực phẩm, hàng tươi sống trong thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, sự đứt gãy của các nền tảng thương mại trực tuyến trong đó có bộ phận bán hàng online của các siêu thị, cũng có nguyên nhân chủ yếu là do thiếu shipper.

“Nhận nhiều đơn hàng online nhưng vì thiếu shipper cho nên các túi hàng bị ứ đọng, các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả sẽ rất dễ hư hỏng. Từ đó, họ sẽ hạn chế lại đơn hàng online, hoặc thậm chí ngừng kênh bán hàng này”, ông Đạt cho biết ý kiến.

Một chỉ số khác là PMI (nhà quản trị mua hàng) vừa được công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit công bố cho thấy trong tháng 7 và tháng 8 lần lượt là 45,1 và 40,2. Mức sụt giảm xuống dưới ngưỡng 50 khá xa cho thấy mức độ thu hẹp lớn về sản xuất cũng như các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong khoảng 3 tháng trở lại đây.

Chính vì thế, dù người dân tìm kiếm trên mạng những từ khóa liên quan  tới các sản phẩm, mặt hàng thiết yếu nhưng nguồn cung rất khó đáp ứng. Hay nói cách khác, nhiều mô hình thương mại điện tử, kênh bán hàng onine bị đứt gãy vì một trong những yếu tố quan trọng trong chuỗi cung ứng là dịch vụ shipper bị thu hẹp hoặc ngưng trệ hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn