MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vườn trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Lên đang cho trái. Ảnh: Nguyên Anh

Thủy lợi khép kín, sầu riêng, măng cụt phất lên ở vùng Miệt Thứ

NGUYÊN ANH LDO | 29/03/2024 13:21

Ổn định từ đầu vào, an tâm đến đầu ra lại không còn nỗi lo bị hạn mặn, lũ lụt như trước kia nên bà con vùng trồng cây ăn trái ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang) chỉ dồn công sức vào trồng trọt.

Không còn nỗi lo ngập lụt

Thăm vườn trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Lên (SN 1966) ngụ xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, khoảng 100 gốc sầu riêng đang cho trái rất tốt. Ông Lên chia sẻ, trước kia ông trồng mía nhưng mía rẻ quá, ông Lên chuyển sang trồng sầu riêng.

Hiện tại, khu vườn rộng khoảng 8.000m2 đang trồng 160 gốc sầu riêng khoảng 4,5 năm tuổi. Giai đoạn chuẩn bị làm bông tới ra trái thì cần chăm sóc nhiều nên vất vả hơn các giai đoạn khác.

“Hồi trước nước mặn có đe dọa nhưng lo nhất là lũ lụt nước tràn vô ngập thiệt hại hết. Ở đây ai gan lắm mới dám trồng nhiều. Còn hiện giờ bà con yên tâm tập trung trồng trọt không lo hạn mặn hay ngập lụt nữa vì đã có các cống hỗ trợ ngăn mặn, điều tiết nước, có đê bao bờ bao rồi”, ông Lên tâm sự.

Ngoài ra, ông Lên còn được địa phương hỗ trợ phân bón miễn phí theo các chương trình chung của xã, đi tham quan học hỏi các mô hình trồng cây ăn trái ở các tỉnh khác, giá cả lại ổn định nên ông rất an tâm sản xuất và tham gia vào hợp tác xã (HTX).

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hùng, bà con làm mảnh vườn phải 5 -10 năm mới có thu hoạch, nếu gặp lũ thì mất trắng. Giờ có cống Cái Lớn - Cái Bé, cống tại địa phương thêm kế hoạch sinh kế nên người dân yên tâm sản xuất. Ở đây chủ lực là sầu riêng, măng cụt, hiện có khoảng 20 thành viên đang tham gia HTX.

“Trước kia lo ngại về nước, về hạn mặn bà con không dám trồng nhiều, sản lượng còn ít. Hiện giờ vừa được hỗ trợ vật tư nông nghiệp lại có liên kết sản xuất với doanh nghiệp, công ty xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài nên bà con bớt gánh lo rồi”, ông Hồng cho hay.

Ông Hồng cũng cho biết thêm, HTX tập trung thống nhất sản xuất sản phẩm có chất lượng, sản phẩm đạt chuẩn OCOP để cung ứng măng cụt, sầu riêng cho công ty ở TPHCM. Ngoài ra HTX cũng ký kết với công ty phân bón ở Đồng Nai để ổn định đầu vào.

Mục tiêu 9.000 tấn

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao, trong quý I/2024, địa phương đã tập trung nhiều trong công tác thủy lợi và ứng phó với xâm nhập mặn. Phối hợp Ban Quản lý Dự án, UBND các xã, bàn giao hệ thống nâng hạ cửa cống phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nguồn nước tưới tiêu ổn định giúp cây trồng đạt năng suất cao. Ảnh: Nguyên Anh

Ông Dương Duy Duyệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho biết: Đơn vị đã tập trung chỉ đạo, rà soát tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn các xã, thị trấn, vùng sản xuất nông nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình, tập trung tăng cường công tác quan trắc, dự báo để kịp thời ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

"Phối hợp Ban điều hành Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé chủ động trong điều hành cống, phân vùng xâm nhập cơ bản đảm bảo điều kiện sản xuất nông nghiệp của huyện. Xây dựng đề xuất cấp mã nhận diện cho vùng cây ăn trái, khóm, lúa cho huyện", ông Duyệt cho hay.

Ông Duyệt cũng thông tin, trên địa bàn huyện Gò Quao đã được cấp 30 mã vùng trồng, với tổng diện tích gần 960ha cho 8 loại cây trồng. Vùng trồng phục vụ xuất khẩu các thị trường EU, Nhật, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada... gồm lúa, khóm, xoài, sầu riêng, măng cụt...

Năm 2023, diện tích trồng cây ăn trái của huyện là 850ha, diện tích cho trái 650ha, năng suất bình quân 13 tấn/ha, sản lượng đạt 8.450 tấn. Huyện cũng phấn đấu năm 2024 diện tích cây ăn trái trồng 900ha, sản lượng 9.000 tấn.

Ông Duyệt cũng cho biết: “Địa phương vận động người dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả, thu nhập thấp chuyển sang trồng cây ăn trái có hiệu quả, phát triển vườn cây ăn trái tập trung ở 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Hòa Hưng Bắc và mở rộng thêm một số xã có điều kiện như Định Hòa kết hợp mô hình du lịch sinh thái với trồng cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, bưởi…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn