MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù tỉ giá liên tục tăng mạnh nhưng vẫn được đánh giá trong tầm kiểm soát. Ảnh: Trà My

Tỉ giá tăng nóng không bắt nguồn từ USD rút ra khỏi thị trường

Anh Kiệt LDO | 21/08/2023 11:25

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của sóng tỉ giá thời gian qua là do đồng USD tăng chứ không phải tình trạng dòng vốn dịch chuyển khỏi quốc gia

Nguồn ngoại tệ vẫn rất dồi dào

Sau khi giữ ổn định và hầu như đi ngang trong suốt 7 tháng đầu năm 2023, tỉ giá VND/USD có xu hướng bật tăng trở lại từ đầu tháng 8. Theo phân tích của chuyên gia từ Chứng khoán MBS, xét về mặt bằng chung, tính đến nay, tỉ giá VND/USD đã tăng 1,62% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất năm được thiết lập trong tháng 5.2023.

Con sóng tăng giá USD lần này khá bất ngờ vì nguồn ngoại tệ trong nước đang rất dồi dào. Theo đó, Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn 16,2 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm. Mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỉ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỉ USD.

Trước câu hỏi liệu việc tỉ giá tăng nóng như trong thời gian vừa qua có phải đến từ tình trạng dòng vốn này chảy ra khỏi quốc gia (outflow) hay không? Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng, có 2 yếu tố cần quan tâm sẽ tác động đến tỉ giá. Đầu tiên là đồng đôla Mỹ. Cụ thể, chỉ số DXY trong thời gian vừa qua tăng lên 103 điểm và dự báo có thể tăng lên 104 điểm. Đồng nghĩa đà tăng đồng bạc xanh sẽ còn duy trì trong bối cảnh lo ngại lạm phát có thể gia tăng trở lại trong tháng 8. Biên bản họp của FED vừa công bố nhấn mạnh sẽ kiềm chế lạm phát chứ không quá chú trọng về tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nóng và tỉ giá đồng USD cũng lên cao.

Nhìn vào yếu tố trong nước, ông Minh nhận thấy, không có tình trạng dòng tiền rút ra khỏi thị trường. Bởi thông thường theo quan sát của ông, khi chỉ số hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) tăng cao sẽ phản ánh rủi ro của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua chỉ số CDS chủ yếu bị ảnh hưởng do đồng USD tăng, nên không có tình trạng tỉ giá quay lại thời biến động mạnh của năm 2022, đầu năm 2023 đã chứng kiến.

Song song với tỉ giá là lạm phát. Quan điểm của vị giám đốc phân tích là lạm phát sẽ không quay lại thời điểm căng thẳng của năm 2022 khi có sự đứt gãy của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên hiện nay có 2 vấn đề cần quan tâm là hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng hạn chế xuất khẩu của các nền kinh tế lớn. Theo đó, tình hình thời tiết hiện nay bất thường đã ảnh hưởng đến sản lượng nông sản của các quốc gia như Ấn Độ hay Nga hạn chế xuất khẩu dầu mỏ.

Biến động tỉ giá vẫn trong tầm kiểm soát

Chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt dự báo một số yếu tố quan trọng có thể gia tăng áp lực lên tỉ giá VND/USD trong những tháng cuối năm. Trong đó nổi lên là triển vọng tích cực của đồng USD nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, đồng NDT của Trung Quốc đã mất giá khoảng 5,2% trong nửa đầu năm 2023, đây là mức mất giá đáng kể so với mức khoảng 8,5% trong cả năm 2022. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng và hạ bớt "tấm khiên" về ổn định tỉ giá.

Tuy nhiên, biến động tỉ giá vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước do nhiều động lực tới từ cán cân thương mại cao kỷ lục 15,23 tỉ USD; kiều hối chuyển về TPHCM tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 tỉ USD; Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 6,3 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn