MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại Đăk Đoa, dịch bệnh lan rộng khiến chi phí cao, giá hồ tiêu xuống thấp khiến người trồng bỏ mặc những vườn hồ tiêu không chăm sóc. Ảnh: Kh.V

“Tỉ phú hồ tiêu” bỗng chốc trắng tay vì hồ tiêu

L.V LDO | 10/01/2020 06:44

3 năm trước đây, sau 1 vụ người nông dân chân lấm tay bùn bỗng chốc hóa tỉ phú, “đại gia”; nay, cũng chỉ sau 1-2 vụ, những “đại gia hồ tiêu”, tỉ phú hồ tiêu lừng lẫy một thời, bỗng chốc trắng tay, trở thành con nợ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà vắng lặng không bóng dáng đàn ông, chị Nguyễn Thị Hải (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pứ, Gia Lai) buồn rầu nói: “Chồng và con trai tôi vào TPHCM làm thuê để có tiền để trả nợ ngân hàng vì bao nhiêu tiền bạc gia đình tôi ném hết vào hồ tiêu, giờ tiêu chết, nợ nần chồng chất tôi không biết tính sao”.

Chỉ tay ra vườn hồ tiêu đã bị cháy xám, chị Hải rưng rưng: Không riêng gì gia đình tôi, nhiều hộ trồng tiêu tại Chư Pưh, Chư Sê đều chung cảnh hồ tiêu tự dưng bị héo úa rồi đồng  loạt “lăn ra chết”, thêm vào đó là giá hồ tiêu liên tục xuống thấp.

“Thu nhập cả nhà nhìn vào hồ tiêu, nhưng 2 năm nay nguồn thu này bị mất, nợ gốc còn đó, mỗi tháng gia đình chị còn trả 8 triệu đồng lãi vay ngân hàng" chị Hải nói mà như muốn khóc.

Một rẫy hồ tiêu cháy đen. Ảnh: Kh.V

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Tám (từng là giáo viên, từng là “đại gia” hồ tiêu tại Đăk Đoa - Gia Lai) trầm ngâm cho biết ông là một trong những gia đình đang mắc nợ ngân hàng do đầu tư vào hồ tiêu hiện nay.

“Trước mỗi hecta hồ tiêu cho thu 100 triệu, chúng tôi lấy nguồn thu đó đầu tư mở rộng diện tích. Bất ngờ hồ tiêu rớt giá, 750 triệu đồng nợ ngân hàng chưa trả được, chưa kể mỗi tháng thêm 8 triệu đồng lãi suất vay. Trong xã Ya Bla người dân bỏ đất hồ tiêu đi làm việc tại các khu công nghiệp hết rồi” – ông Tám buồn rầu nói.

Ông Tám, “đại gia hồ tiêu” một thời nay lâm cảnh nợ nần. Ảnh: Kh.V

Cũng theo ông Tám, hiện nay, không chỉ vay nợ ngân hàng,  các hộ mua “chịu” vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu cũng trong tình trạng không có khả năng trả nợ. Tại thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) có nhiều đại lý phân bón đang bị đọng vốn bởi các hộ trồng tiêu.

Sai lầm vì không nghe lời khuyên của cán bộ

Trao đổi với PV, ông Hoàng Phước Bính-Tổng thư ký Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê chia sẻ: "Mấy năm trước hồ tiêu được giá nên các hộ đổ xô đi trồng dẫn đến cung vượt cầu. Số liệu của Cục trồng thông tin có khoảng 100.000 hộ trồng hồ tiêu, nhưng theo tôi con số này có thể là 200.000 hộ với khoảng 149.000ha. Giá hồ tiêu giảm mạnh trong 3 năm gần đây, hiện tại chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg, không đủ trả tiền thuê hái nên nhiều nhà trồng tiêu bỏ cây, không chăm sóc".

Ông Hoàng Phước Bính. Ảnh: Kh.V

Theo ông Vũ Ngọc An – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, cách đây 3 năm khi giá hồ tiêu bắt đầu xuống thấp, trước tình trạng tăng diện tích hồ tiêu ồ ạt, ngành nông nghiệp tỉnh đã cử cán bộ xuống khảo sát, khuyên can, nhưng người trồng vẫn không nghe. Nay một mặt giá hồ tiêu xuống thấp do dư thừa trên thế giới, một mặt cây hồ tiêu chết đồng loạt do dịch bệnh, nên nhiều người nông dân gần như mất trắng.

"Nhiều gia đình khổ vì hồ tiêu chết. 3 năm trước gia tiêu cao,  nhìn họ thu tiền tỉ tôi ham lắm, muốn mở rộng diện tích. Nhưng gia đình tôi nghèo không có tài sản thế chấp nên không vay được vốn ngân hàng để đầu tư. Nay hàng loạt người trồng tiêu bị thất thu, nợ nần; tôi không có vốn, không đầu tư gì lại thoát” ông Siu Tớih-Đắk Đoa-Gia Lai cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn