MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tỉ trọng khối ngoại giảm quá nửa, dòng tiền nội F0 chiếm thế thượng phong

Đức Mạnh LDO | 17/01/2022 13:52

Nếu như trước đây, mọi diễn biến của khối ngoại trên thị trường chứng khoán luôn được chú ý thì quan niệm "theo dấu chân người khổng lồ" ngày nay đã dần phai nhạt. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường của khối này đã giảm hơn nửa so với cùng kỳ.

Theo báo cáo mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 62 nghìn tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới hơn 90% một số Quỹ ETF nội địa.

Thống kê của SSI chỉ ra, tỉ trọng giao dịch nước ngoài trên tổng số giao dịch của thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu 2018 là gần 20%. Cuối năm 2019 khi dịch chưa bùng phát, con số này là 16%.

Sang năm 2021, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt 798.821 tỉ đồng, giảm mạnh chỉ còn 7,39% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.

Tính đến hết ngày 31.12.2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 62.431 tỉ đồng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư vào các quỹ ETF, đặc biệt là các quỹ ETF nội địa.

Trong năm 2021, khối lượng giao dịch chứng chỉ quỹ ETF bình quân của khối ngoại đạt trên 8,06 triệu chứng chỉ quỹ/ngày với giá trị giao dịch bình quân đạt 175,56 tỉ đồng/ngày, tương ứng tăng 79,84% về khối lượng và tăng 193,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Tỉ trọng giao dịch ETF của khối ngoại chiếm 64,80% toàn thị trường. Lũy kế 12 tháng, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên 4,5 nghìn tỉ đồng. Tính đến hết năm 2021, đã có 8 quỹ ETF được niêm yết và giao dịch trên HOSE. Trong đó, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại đối với một số quỹ ETF đạt trên 96%, cụ thể là 3 ETF: FUEVFVND, FUESSVFL, E1VFVN30.

Mã HPG đứng đầu danh sách bán khối ngoại bán ròng toàn thị trường chứng khoán năm 2021 với giá trị lên đến 18.925 tỉ đồng. VPB và VNM đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 9.331 tỉ đồng và 6.630 tỉ đồng. Ảnh: AFP 

Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho xu hướng tiêu cực của khối ngoại trong năm 2021 như tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời gian Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, dòng tiền dần chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu, than đá…. Và mới đây là lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất, khiến dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để hướng đến các thị trường có mức sinh lời cao hơn theo nguyên lý tiền chảy chỗ trũng.

Dù vẫn liên tục bán ròng và tỉ trọng giao dịch của khối ngoại so với tổng giá trị toàn thị trường ngày càng thu hẹp, song theo các chuyên gia, điều này không còn gây áp lực lên tâm lý thị trường hay đè nặng lên đà tăng của các chỉ số.

TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư Quỹ DGInvestment - nhận định, dòng tiền khối ngoại không còn dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản tăng kỷ lục cùng với số tài khoản mở mới. Số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam tăng gần đây không chỉ đơn thuần là người dân rảnh rỗi vì COVID-19. Cần nhận thấy, xu hướng người dân chuyển từ gửi tiền tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán đã dần lan rộng. Đây là điều mà nhiều năm trước các thành viên thị trường luôn mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn