MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự báo xuất khẩu tôm năm 2022 nhiều tiềm năng. Ảnh: Vasep

Tiềm năng xuất khẩu tôm năm 2022 rất lớn, nhưng không ít khó khăn

Vũ Long LDO | 06/02/2022 18:26

Với tốc độ tăng trưởng 5%/năm, xuất khẩu tôm là “át chủ bài” trong nhóm xuất khẩu thủy sản. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2022 nhiều tiềm năng.

Hướng tới mức tăng trưởng 9% trong 4 năm tới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,8 tỉ USD/năm, đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Ecuador. Trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng 5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. VASEP đánh giá triển vọng ngành tôm đến năm 2025, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 5,6 tỉ USD, tăng trưởng 9% hàng năm.

Diện tích nuôi tôm của Việt Nam trên 740.000ha, sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm, tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (trên 80%). Nhấn mạnh về khả năng tăng trưởng của ngành tôm, Vasep cho rằng, các thị trường chính như Hoa Kỳ (20-23%), Nhật Bản (16-18%), Châu Âu - EU (15-20%), Trung Quốc (13-15%), Hàn Quốc (9-10%)... là những lợi thế không nhỏ đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Các doanh nghiệp thủy sản cũng kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 khi nhu cầu của Hoa Kỳ tăng, trong khi đó, nước xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ là Ấn Độ gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

Điều đáng nói là, Hoa Kỳ đã tạo nên một kỷ lục mới về sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm, với 7 tỉ USD và sản lượng trên 750.000 tấn. Trong đó, tôm Ấn Độ giữ vị trí hàng đầu (36-38%), tôm Indonesia xếp vị trí thứ hai (18-20%), Ecuador thứ ba suýt soát Indonesia. Tôm Việt xếp hạng thứ năm với thị phần chưa tới 10%.  Như vậy, thị phần tôm sang thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn và Việt Nam phải tận dụng được các ưu thế của riêng mình.

Nâng lợi thế cạnh tranh của tôm Việt Nam

Theo TS Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam, “điểm trừ” làm giảm lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt Nam là giá thành cao. Để giải quyết vấn đề này, cần cải thiện cơ bản là tăng tỉ lệ thu hồi đầu con, tức là tăng tỉ lệ thành công ao nuôi. Như vậy cần con giống tốt và quy trình nuôi phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Trong đó chú trọng tối ưu hệ số thức ăn, bởi thức ăn có thể chiếm hơn 50% giá thành. Ngoài ra, xem xét giá cả các cơ sở cung ứng đầu vào, đặc biệt là thức ăn và các chế phẩm nuôi tôm.

“Khi cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, sẽ tăng sức cạnh tranh tôm ta trên thương trường thế giới. Trong canh tác, doanh nghiệp khẩn trương thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi, bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng (bề rộng) và thâm nhập các hệ thống phân phối cấp cao (chiều sâu), bởi các hệ thống cao cấp cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi"– TS Hồ Quốc Lực nói.

TS Hồ Quốc Lực cũng cho rằng, ngành tôm cần có giải pháp tăng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu, cụ thể như ASC (chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động), tiêu chuẩn BAP (tiêu chuẩn nhằm đáp ứng về môi trường và trách nhiệm xã hội, quyền lợi động vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong một chương trình chứng nhận tự nguyện nuôi trồng thủy sản). Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ không thể thực thi vì chi phí ảnh hưởng giá thành nuôi.

Như vậy, nên có giải pháp tích điền hay thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm. Chỉ có cơ sở nuôi có quy mô hàng trăm hecta mới mang lại hiệu quả thiết thực cao nhất vì thuận lợi trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu vào nuôi tôm. Giải pháp này hết sức có ý nghĩa cho việc tăng trưởng ở thị trường EU và Vương Quốc Anh.

Song song với đó, Việt Nam cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi từng quy mô, từng địa phương nhằm phát triển xanh, bền vững. Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030. Có quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro trong việc nhiễm chéo, cung ứng đủ nước nuôi; trong việc xử lý nước thải nuôi nhằm hạn chế tác động xấu môi trường, góp phần vào việc phát triển xanh trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, vào phát triển bền vững cả nền kinh tế nói chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn