MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Facebook có kế hoạch chính thức đưa tiền ảo Libra vào sử dụng năm 2020 (ảnh AP).

Tiền ảo Libra của Facebook, vì sao vừa công bố đã gây sóng gió?

Thế Lâm LDO | 21/06/2019 07:00

Chỉ vài giờ sau khi Facebook chính thức công bố dự án tiền ảo Libra và những đối tác tham gia trong Hiệp hội đồng tiền kĩ thuật số Libra (Libra Association), hàng loạt các nhà lập pháp và hành pháp của Mỹ và Châu Âu đã lên tiếng cảnh báo, phản ứng, thậm chí còn yêu cầu Facebook dừng dự án.

Đe dọa hệ thống tiền tệ truyền thống

“Ông lớn” Facebook hẳn đã có tính toán từ trước cho nên chọn Thụy Sĩ là nơi triển khai dự án Libra. Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập và có tính độc lập tương đối về hệ thống ngân hàng tiền tệ so với phần còn lại của Châu Âu và thế giới.

Cần biết rằng cách đây khoảng hai tháng, khi thông tin dự án tiền ảo của Facebook được lan truyền, thị trường tiền ảo đã được hưởng lợi và kích giá, nhờ đó mà giá đồng bitcoin (đại diện điển hình nhất của thị trường tiền kĩ thuật số) đã tăng lên khoảng 250% cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, trong hai ngày qua, khi dự án Libra chính thức bị phản ứng dữ dội, giá đồng bitcoin đang đi ngang ở ngưỡng trên dưới 9.300USD.

Đồng Libra khác một cách căn cơ với bitcoin là nó không thể cứ “đào” mà ra được, mà nó được bảo đảm bằng các tài sản đa dạng hoặc tiền tệ truyền thống khác như đồng USD, EUR, Nhân dân tệ, Yên....

Và nó cũng không chỉ có giá trị đầu tư và tích lũy như bitcoin. Hơn thế, đồng Libra có giá trị giao dịch, thanh toán thông qua ứng dụng Calibra, như vậy khả năng được chấp nhận của nó sẽ rất rộng mở.

Nhìn vào danh sách các thành viên hiện giờ của Hiệp hội Libra có thể thấy sự góp mặt của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ, thương mại điện tử, cổng thanh toán... nhưng hầu như ít ngân hàng nào tham gia.

Một chi tiết cần lưu ý rằng, trong khuôn khổ dự án Libra khi người dùng chuyển tiền qua ứng dụng Calibra, mức phí được cho rằng sẽ thấp hơn phí ngân hàng rất nhiều, rõ ràng đã gạt các ngân hàng với trục lợi ích của mình ra khỏi “cuộc chơi lớn” này.  

Các thành viên đã tham gia Hiệp hội Libra (ảnh: TechCrunch).
 

Lo sợ vượt tầm kiểm soát

Cho đến lúc này, trước lời kêu gọi của các chính trị gia hàng đầu tại Quốc hội Mỹ và chính quyền Châu Âu, Facebook vẫn chưa đáp lại có đáp ứng những lời kêu gọi đó hay không.

Chính vì thế, dư luận cho rằng khả năng sẽ xảy ra cuộc đấu căng thẳng giữa Facebook với chính quyền Châu Âu và nhiều nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ. Và tương lai phía trước của đồng Libra sẽ đầy sóng gió, có khả năng thúc đẩy các chính phủ nhanh chóng đưa ra những qui định về quản lí, chế tài đối với thế giới tiền ảo.

Không phải sự lo ngại này là không có cơ sở. Thứ nhất, tiền ảo Libra của Facebook được công bố chính thức (khả năng đưa vào sử dụng năm 2020) trong khi “ông lớn” mạng xã hội này vẫn chưa thoát khỏi cái án làm rò rỉ dữ liệu người dùng và còn đang phải chuẩn bị 3 tỉ USD trong ngân khoản để nộp phạt tại Mỹ vì vụ scandal Cambridge Analytica.

Với hiện trạng thiếu kiểm soát chặt chẽ như vậy, vấn đề thứ hai là nỗi lo thế giới tiền ảo của Facebook thiếu kiểm soát chính là môi trường cho những đối tượng rửa tiền xâm nhập, tài sản của mafia, khủng bố.... trú ẩn.

Thứ ba, luật pháp quản lí và kiểm soát tiền ảo còn chưa được hình thành tại Mỹ và Châu Âu cũng như trên thế giới. Hiện có rất ít quốc gia chính thức cho phép thị trường tiền ảo được tồn tại và hoạt động như Nhật Bản. Trong khi đó, mạng xã hội số 1 toàn cầu Facebook hiện có hơn 2,5 tỉ người đăng kí sử dụng, số người dùng hàng ngày hơn 1,5 tỉ và số người dùng hàng tháng hơn 2 tỉ, sẽ giúp cho Facebook nắm trong tay một quyền lực điều hành hệ thống tiền tệ phi truyền thống hoàn toàn có thể thách thức các hệ thống tài chính – ngân hàng truyền thống toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn