MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những đồng tiền cũ từ Châu Á nếu quay ngược về Mỹ sẽ bị khử trùng (ảnh minh họa).

Tiền cũ cũng bị cách ly 14 ngày để chống dịch COVID-19

Lan Hương LDO | 10/03/2020 07:13
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát thông điệp khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên và nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt nếu có thể vì tiền giấy có thể là một nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Tờ bạc giấy cũng như các bề mặt khác là tay nắm cửa, điện thoại, thẻ tín dụng đều có thể là nơi lưu trú của nhiều loại vi khuẩn cũng như virus. WHO khuyến nghị người tiêu dùng nên sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt bất cứ khi nào có thể.

Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học New York cho thấy có 3.000 loại vi khuẩn lưu lại trên tờ USD do mức độ lưu thông rộng và thường xuyên được trao tay của đồng tiền này. 

USD được coi là đồng tiền dự trữ toàn cầu, loại tiền tệ được phân phối rộng nhất trên thế giới. Hiện có khoảng 1,75 nghìn tỉ USD tiền mặt đang được lưu thông trên toàn thế giới. Theo FED, phần lớn trong số đó hiện đang lưu thông ở nước ngoài, đặc biệt là tại Châu Á - khu vực mà đồng bạc xanh thường mạnh hơn so với các đồng tiền địa phương.

Đại diện của Fed cho biết sẽ phân loại riêng những đồng tiền trở về từ Châu Á và cách ly trong 7 - 10 ngày trước khi xử lý và phân phối lại cho các tổ chức tài chính. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng  tiến hành khử trùng đồng tiền bằng tia cực tím và thậm chí tiêu hủy hoàn toàn tiền mặt cũ để tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã đưa thêm 500 tỉ Baht (15,91 tỉ USD) tiền mới vào lưu thông nhằm nâng cao tỉ lệ tiền giấy sạch không có Virus tồn tại trên bề mặt.

Ngoài Hàn Quốc thì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã sử dụng tia cực tím và nhiệt độ cao để khử trùng tiền mặt đã qua sử dụng, sau đó niêm phong và lưu trữ khoảng từ 7 đến 14 ngày tùy thuộc vào mức độ dịch COVID-19 gây ra ở từng địa phương.

Tại Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sẽ chỉ đạo Cục phát hành kho quỹ tạm thời tập trung cung cấp tiền mới ra thị trường. Tiền cũ thu về sẽ lưu kho trong thời gian nhất định.

Việt Nam hiện đang là một trong những nền kinh tế có tỉ lệ sử dụng tiền mặt cao nhất trên thế giới, hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Thu Trà - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền từ người sang người và các nghiên cứu khoa học cho thấy virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trên tay nắm cửa hay bề mặt tiếp xúc. Tiền mặt là thứ không được vệ sinh do được giao dịch nhiều nơi, nhiều nguồn. Khi dịch bùng phát, nên hạn chế đến nơi tập trung quá đông người để rút tiền. Sau khi cầm tiền mặt, người dân nên rửa tay sát khuẩn để đảm bảo an toàn. Hiện nay có thẻ ngân hàng tích hợp vào trong điện thoại thông minh. Tôi có lời khuyên đến người dân nên hạn chế tiếp xúc với các vật không an toàn và không đảm bảo vệ sinh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn