MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền điện tử lao dốc, các quốc gia quy định "siết chặt"

Đức Mạnh LDO | 03/02/2022 09:19
Thái Lan hạn chế việc sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán các sản phẩm và dịch vụ. Quốc gia này quan ngại rằng tiền kỹ thuật số có thể làm phương hại hệ thống kinh tế và tài chính.

Theo thông cáo chung từ Ngân hàng Thái Lan (BOT), Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Thái Lan (SEC) và Bộ Tài chính Thái Lan (MOF), các cơ quan quản lý đang lên kế hoạch áp dụng một khung pháp lý để kiểm soát việc tài sản số ngày càng được đón nhận rộng rãi trong vai trò phương tiện thanh toán giao dịch.

Ba cơ quan khẳng định cần cân bằng được lợi ích, bao gồm cả các công nghệ mà tài sản số mang đến, và các điểm tiêu cực tiềm tàng của chúng.

Các nhà quản lý bày tỏ quan ngại khi nhiều thợ đào và người kinh doanh tiền điện tử đã và đang cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc sử dụng tiền số làm phương tiện thanh toán, bao gồm cả việc thiết lập hệ thống thanh toán tiền mã hoá.

Theo họ, điều này có thể dẫn đến việc sử dụng rộng rãi hơn các tài sản kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán ngoài việc dùng như một khoản đầu tư. Đồng thời, nó có thể tác động đến sự ổn định tài chính và hệ thống kinh tế tổng thể.

Các nhà chức trách Thái Lan vạch ra nhiều rủi ro khác nhau liên quan đến tiền điện tử đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, chẳng hạn như biến động giá, an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu cá nhân hoặc rửa tiền. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Thông báo nói thêm: “Các cơ quan quản lý sẽ xem xét việc thực thi quyền lực theo các khuôn khổ pháp lý liên quan để hạn chế việc sử dụng rộng rãi tài sản kỹ thuật số như một phương tiện thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.”

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan - ông Sethaput Suthiwartnarueput cho biết, hiện tại, việc sử dụng rộng rãi tài sản số làm phương tiện thanh toán hàng hóa và dịch vụ gây rủi ro cho hệ thống kinh tế và tài chính của quốc gia. Do đó, cần có sự giám sát rõ ràng đối với hoạt động đó.

Ông kết luận: “Những công nghệ và tài sản kỹ thuật số không gây ra những rủi ro như vậy cần được hỗ trợ với các khuôn khổ quy định thích hợp để thúc đẩy sự đổi mới và đem lại lợi ích hơn nữa cho công chúng”.

Đợt siết chặt quản lý tài sản kỹ thuật số ở Thái Lan được thực hiện trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư trẻ, đẩy mạnh hoạt động đầu tư tiền mã hoá do hứa hẹn lợi nhuận cao hơn khi nền kinh tế chững lại.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn tỏ ra thận trọng với hoạt động trực tiếp liên quan đến đầu tư tài sản số vì mức độ biến động quá lớn và nhiều yếu tố bất định.

Một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia mới đây đã nghiêm cấm các tổ chức dịch vụ tài chính sử dụng, tiếp thị hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch tài sản tiền điện tử. 

Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia (OJK) cảnh báo rằng giá trị các loại tài sản tiền điện tử thường biến động và những người mua tài sản kỹ thuật số cần nắm vững các rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn