MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền điện tử và tài sản số là mối đe doạ số một đến các nhà đầu tư

Đức Mạnh LDO | 13/01/2022 19:09
Những kẻ lừa đảo đã "bỏ túi" kỷ lục 14 tỉ USD tiền điện tử trong năm 2021. Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên tỉnh táo, tự trau dồi kiến thức để bảo vệ bản thân trước sức nóng của kênh tài sản này.

Ông Joseph P. Borg - Giám đốc Ủy ban Chứng khoán Alabama nhận định: “Cơ quan quản lý chứng khoán của Hiệp hội Quản trị viên Chứng khoán Bắc Mỹ (NASAA) tiết lộ rằng hiện nay, tiền điện tử và tài sản số là mối đe doạ hàng đầu đến các nhà đầu tư.

Những câu chuyện về "triệu phú tiền số" đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư F0 trong năm 2021. Số lượng nạn nhân của những vụ lừa đảo kiểu này vẫn sẽ tiếp tục tăng nhanh trong năm 2022."

NASAA đang kêu gọi các nhà đầu tư nên thận trọng khi tìm kiếm cơ hội đầu tư, đồng thời khuyên mọi người rằng không có gì là không tiềm ẩn rủi ro.

Bà Melanie Senter Lubin - Chủ tịch NASAA kiêm Ủy viên Chứng khoán Maryland cho biết: "Dấu hiệu phổ biến nhất của một vụ lừa đảo đầu tư là lời đề nghị mang lại lợi nhuận cao mà không có rủi ro. Các nhà đầu tư phải hiểu họ đang đầu tư vào cái gì và họ đang đầu tư với ai.

Tiếp cận đúng luồng thông tin là cách bảo vệ tốt nhất giúp các nhà đầu tư không trở thành nạn nhân của gian lận tiền số."

Theo ông Borg, những vụ phát hành riêng lẻ là một cách phổ biến để "lùa" các nhà đầu tư. Phần lớn chúng không phải đăng ký với các cơ quan có liên quan, do đó sẽ mang tính rủi ro cao cũng như kém an toàn hơn chào bán công khai.

Chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng trước mọi hành vi mua, bán tiền điện tử bởi chúng dễ "bốc hơi" và không bị ràng buộc dưới bất kỳ sự quản lý nào.  Ảnh: AFP

Trong báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo không nên xem tiền kỹ thuật số là một kênh phòng ngừa rủi ro biến động thị trường. Nguyên do là bởi đồng tiền này hiện diễn biến theo thị trường chứng khoán, làm tăng nguy cơ lây lan ra khắp các thị trường tài chính. 

Các chuyên gia của IMF nhận định những diễn biến đồng bộ của tiền số và chứng khoán có thể sớm gây ra nhiều nguy cơ cho sự ổn định tài chính, đặc biệt ở những nước áp dụng tiền số rộng rãi.

Vì thế, các chuyên gia này kêu gọi xây dựng một khung quản lý toàn diện và phối hợp trên toàn cầu để định hướng cho các quy định và hoạt động giám sát ở phạm vi quốc gia, cũng như giảm thiểu các nguy cơ đối với sự ổn định tài chính xuất phát từ hệ sinh thái tiền kỹ thuật số.

Tội phạm liên quan đến tiền điện tử đã đạt mức kỷ lục vào năm 2021. Theo báo cáo từ công ty phân tích blockchain Chainalysis, các vụ lừa đảo đã đánh cắp tới 14 tỉ USD tiền số trong suốt năm qua.

Chúng chủ yếu lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng tài chính phi tập trung DeFi. Đây là hình thức tài chính dựa trên công nghệ blockchain, không phụ thuộc vào các bên trung gian như người môi giới, sàn giao dịch hay ngân hàng để cung cấp các công cụ tài chính truyền thống.

Chainalysis cho biết: “Tội phạm lừa đảo liên quan đến tiền số tăng nóng trên toàn thế giới đang khiến cho các Chính phủ  càng khó chấp nhận cũng như siết chặt hơn các hạn chế đối với chúng."

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn