MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảng cá cần được xây dựng theo hướng hiện đại, tích hợp đa giá trị. Ảnh: A.Dũng

Tiến độ đầu tư xây dựng cảng cá và khu neo đậu còn quá chậm

Vũ Long LDO | 15/04/2022 15:10

Cả nước hiện có 125 cảng cá, nhưng hiện mới đầu tư được 92 cảng, với tổng sản lượng qua cảng hàng năm khoảng 1,8 triệu tấn.

Số lượng và chất lượng cảng cá chưa đạt yêu cầu

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), cả nước hiện có 125 cảng cá, nhưng hiện mới đầu tư được 92 cảng, với tổng sản lượng qua cảng hàng năm khoảng 1,8 triệu tấn. Chiểu theo Luật Thủy sản 2017, mới chỉ có 68 cảng đủ tiêu chuẩn công bố gồm: 3 cảng loại 1, 54 cảng loại 2, và 11 cảng loại 3.

Tính đến cuối năm 2021, số lượng tàu lớn 24m là hơn 2.600 tàu (chiếm khoảng 3% tổng số tàu cá). Số lượng tàu này còn phân bố không đồng đều tại các cảng. Chiều dài tàu tăng khiến những âu tàu được xây dựng từ thập niên 2010 không còn phù hợp, đòi hỏi phải quy hoạch lại một cách đồng bộ.

Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống cảng cá trước đây không tương xứng với tốc độ phát triển đội tàu. Có thời điểm, số tàu cá trên cả nước lên tới hàng trăm nghìn. Số lượng này giờ rút xuống còn hơn 91.700, nhưng số tàu khai thác vùng khơi lại có chiều hướng tăng lên khoảng 30%. Tất cả khiến nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá trở nên nhỏ bé so với nhu cầu khai thác.

Hiện còn tồn tại một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hạ tầng cảng cá.

Những bất cập trên đòi hỏi ngành thủy sản phải tích hợp đa giá trị, từ khai thác, chế biến, cho đến liên kết du lịch, bảo tồn cảnh quan và nuôi biển. Trên cơ sở xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn, ngành thủy sản đặt mục tiêu nắm chắc nguồn thủy sản thông qua cảng, từ cơ cấu loài, số lượng, tính mùa vụ, và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Cảng cá hiện đại phát triển theo xu hướng "mở"

Để tiến tới một quy hoạch đồng bộ, hiện đại cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị cần xem xét kỹ 2 vấn đề: Thứ nhất, mô hình cảng cá nào là chuẩn và có triển vọng đầu tư cho tương lai. Thứ hai, thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước như thế nào để có thể xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa các công trình xây dựng.

"Cảng cá trong tương lai phải không đơn thuần chỉ là nơi cho bà con mưu sinh, hay neo đậu tàu thuyền, mà đó còn là không gian sống, không gian phát triển của hàng chục triệu ngư dân. Chúng ta không thể chỉ quy hoạch phần cứng, tính toán số bêtông cốt thép, mà cần biến khai thác tự phát thành chuyên nghiệp, đưa thủy sản thành một ngành công nghiệp" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Lấy ví dụ về một số nước có điều kiện tự nhiên tương đồng như Việt Nam là Hàn Quốc, Thái Lan, Bộ trưởng chỉ rõ, mô hình cảng cá tương lai không những đảm bảo có mái che, nhà điều hành, khu phân loại, mà còn cần tích hợp cả nơi xử lý chất thải, cơ sở bảo quản, sơ chế, cũng như đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, duy tu, sửa chữa định kỳ.

"Cảng không thể chỉ là nơi để cá lên. Chúng ta cần hướng tới mô hình cảng cá xanh, tiến tới phát triển du lịch tại cảng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, ngành thủy sản sẽ tích hợp đa giá trị, từ khai thác, chế biến, cho đến liên kết du lịch, bảo tồn cảnh quan và nuôi biển. Trên cơ sở xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn, ngành thủy sản đặt mục tiêu nắm chắc nguồn thủy sản thông qua cảng, từ cơ cấu loài, số lượng, tính mùa vụ, và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn