MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân ở Tiền Giang thu hoạch mít. Ảnh: Thành Nhân

Tiền Giang tập trung kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản, kho trữ trái cây

Thành Nhân LDO | 12/10/2023 06:25

Được ví như là "vương quốc trái cây", tỉnh Tiền Giang có sản lượng diện tích trồng cây ăn trái lớn, nguồn cung dồi dào để xuất khẩu nông sản mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Tiềm năng lớn

Ông Lê Văn Phước Lạc - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Phú An (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) - cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có 55 thành viên, với diện tích 325 hecta trồng sầu riêng. Năng suất dao động từ 20-25 tấn/hecta. Nhờ cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao mà những năm trở lại đây, nông dân ở nơi đây bội thu, có nhà cửa khang trang.

Ông Võ Văn Men - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang - cho biết, diện tích cây ăn trái trên địa bàn toàn tỉnh là 86.089 ha. Trong đó, một số cây ăn trái có diện tích lớn như sầu riêng (18.295 ha), mít (14.942 ha), khóm (14.515 ha), thanh long (8.734 ha)... Đến nay, toàn tỉnh đã cấp và đang hoạt động được 279 mã số vùng trồng cây ăn trái, với diện tích hơn 20.000 ha.

Trái sầu riêng mang lại thu nhập cao, đã giúp người nông dân khấm khá. Ảnh: Thành Nhân

Nâng cao giá trị nông sản

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, trong tháng 9, thị trường tiêu thụ trái cây trên địa bàn được thuận lợi, giá bán các loại trái cây nhìn chung tăng hơn so với cùng kỳ từ 1.500 - 41.000 đồng/kg tùy loại nên nông dân thu được lợi nhuận cao, nhất là cây sầu riêng lợi nhuận thu được trên 1,4 tỉ đồng/ha, cao hơn 526,6 triệu đồng/ha so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển sản phẩm nông sản chủ lực năm 2023 đối với cây sầu riêng. Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống tập trung đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng ra các thị trường mới có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu hàng nông, thủy sản.

Ông Lý Hoàng Chiêu - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết, trên cơ sở quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Tiền Giang đã hoàn chỉnh theo góp ý của Hội đồng quốc gia về quy hoạch của tỉnh. Sau khi thông qua, địa phương sẽ thực hiện hồ sơ, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua quy hoạch này.

“Trong dự thảo quy hoạch này, địa phương xác định sẽ tập trung kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, nhất là đối với các loại trái cây Tiền Giang có trữ lượng lớn. Cùng với đó là đề xuất Trung ương cho cơ chế kêu gọi hoặc đầu tư các kho dự trữ trái cây, xây dựng đầu mối tiêu thụ trái cây, góp phần giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Chiêu thông tin.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - thông tin thêm: Trước tình hình một số loại cây trồng gia tăng diện tích đột biến, nhất là cây sầu riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã ban hành văn bản gửi các địa phương chỉ đạo quản lý chặt chẽ trên địa bàn.

Đồng thời, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh Tiền Giang năm 2023. Trong đó, hằng năm, ngành nông nghiệp đều tổ chức thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, góp phần hạn chế tình trạng cây trồng chuyển đổi tự phát, nhất là cây sầu riêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn