MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Tiền gửi của người dân tiếp tục tạo kỷ lục mới

Minh Ánh LDO | 06/10/2023 22:32

Theo số liệu công bố ngày 6.10, số dư tiền gửi và ngân hàng của người dân tiếp tục phá mức kỷ lục của tháng trước.

Ngày 6.10, Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 7, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6.389.593 tỉ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022.

Như vậy, số dư tiền tiết kiệm gửi của dân cư gửi vào ngân hàng liên tiếp tăng liên tiếp trong 1 năm. Số dư tiền gửi của tháng sau liên tục "xô đổ" kỷ lục số dư tiền gửi của tháng trước.

So với cuối tháng 8.2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng đã tăng thêm gần 752.600 tỉ đồng.

Còn so với tháng 6, số dư tháng 7 đã vượt kỷ lục của tháng 6 khi tăng thêm 6.707 tỉ đồng.

Còn đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7, số dư đạt 5.909.707 tỉ đồng, giảm hơn 74.200 tỉ đồng so với tháng 6.

Theo khảo sát của phóng viên, lãi suất huy động ngân hàng hôm nay tiếp tục giảm. Chu kỳ giảm đã ghi nhận liên tiếp 3 tháng trở lại đây, thậm chí đã tạo đáy mới sau lần Vietcombank công bố hạ thêm điểm phần trăm lãi suất, xuống mức 5,3%/năm.

Ghi nhận đến tối 6.10, 3 ngân hàng trong nhóm Big4 vẫn chưa có động thái giảm lãi suất huy động. Hiện vẫn giữ mức lãi suất huy động như từ giữa tháng 9. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất là 5,5% cho kỳ hạn 12 tháng.

Khảo sát ngày 6.10, các ngân hàng có mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn 12 tháng là DongABank (6,75%/năm); BaoVietbank (6,3%/năm); NCB (6,3%/năm)...

Dù vậy, nhưng hiện nay, lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm chưa đồng tốc. Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1% so với cuối năm 2022.

Ngân hàng đang "chữa bệnh thừa tiền"

Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 30.9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 30.9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, về cho vay, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12,6 triệu tỉ đồng, ước tăng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022.

Lãi suất đầu vào giảm sâu trong bối cảnh các ngân hàng đang "chữa bệnh thừa tiền", tức là huy động nhiều hơn cho vay ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn