MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với mức P/E hiện tại của VN-Index, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam có phần hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới. Ảnh: Đức Mạnh

Tiền từ tiết kiệm sẽ chảy vào chứng khoán trong những tháng cuối năm

Đức Mạnh LDO | 07/11/2023 16:42

Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý IV/2023 và năm 2024 sẽ là động lực giúp thu hút dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm chảy sang chứng khoán.

Chứng khoán Việt Nam đang ở vùng định giá hấp dẫn

Theo nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán BSC, thị trường chứng khoán đã ghi nhận hiệu suất tốt trong giai đoạn quý III/2023 nhờ vào sự dịch chuyển dòng tiền của một số kênh đầu tư. Chênh lệch giữa E/P (thu nhập trên một cổ phiếu/giá thị trường) thị trường năm 2024 và lãi suất tiền gửi so với cuối quý II/2023 được nới rộng sau đợt điều chỉnh cuối quý vừa qua, tiếp tục duy trì ở mức tương đối hấp dẫn trong dài hạn.

"VN-Index điều chỉnh mạnh trong quý III/2023 đem lại cơ hội đầu tư lớn trong trung hạn với mức P/E dự phóng năm 2024 tương đương tại thời điểm đáy COVID-19 (tháng 4.2020) và cuối tháng 10.2022. Tuy nhiên, định giá thị trường không phải toàn bộ đều ở mức rẻ, nếu loại trừ nhóm ngân hàng và bất động sản. VN-Index đang giao dịch ở mức P/E lịch sử là 12,82 lần, thấp hơn mức bình quân 5 năm.

Chúng tôi vẫn duy trì triển vọng lạc quan trong trung hạn với việc tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV/2023 và năm 2024. Đây sẽ là động lực giúp thị trường thu hẹp chênh lệch giữa E/P và lãi suất tiền gửi thông qua việc thu hút dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm" - BSC nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset đánh giá sau đợt bán tháo, P/E của VN-Index đã điều chỉnh về mức 13,2x vào cuối tháng 10 từ mức đỉnh 17,3x vào ngày 12.9. Với mức P/E hiện tại của VN-Index, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có phần hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới.

Rủi ro lớn nhất hiện nay mà nhà đầu tư cần theo dõi bao gồm: Một, lãi suất toàn cầu neo ở mức cao trong thời gian dài và ảnh hưởng của nó đối với việc đảo nợ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sức mua. Hai, tác động tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Ba, đồng USD mạnh hơn kỳ vọng và áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài.

Ưu tiên cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cải thiện

Theo dự báo từ nhóm phân tích của BSC, sự phân hóa sẽ diễn ra rõ nét trong quý IV/2023 và giai đoạn nửa đầu năm 2024. Sau giai đoạn hồi phục tích cực của thị trường chứng khoán trong hai quý vừa qua, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ghi nhận mức điều chỉnh mạnh.

Động thái này đi kèm với các yếu tố phức tạp đến từ rủi ro địa chính trị và biến động tình hình vĩ mô thế giới. Đồng thời, thanh khoản thị trường sụt giảm sẽ khiến cho cơ hội đầu tư được chắt lọc kỹ hơn, dẫn đến việc phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ ở giữa các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, nhỏ và lớn. Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cải thiện, phục hồi tốt trong quý IV/2023 và năm 2024.

Về kịch bản của thị trường chứng khoán trong tháng 11, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank - cho rằng VN-Index sẽ tăng theo dạng sideway up - tích lũy để chuẩn bị vượt kháng cự MA200.

Về chiến lược đầu tư khi tín hiệu tạo vùng cân bằng đang xuất hiện, nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược giải ngân thăm dò từng phần nhằm tận dụng nhịp hồi phục ngắn hạn ưu tiên lướt sóng trên lượng cổ phiếu sẵn có và tái cấu trúc danh mục.

Nếu vùng tích lũy được xác lập quanh mức 1.065 - 1.085 điểm, nhà đầu tư có thể xem xét tăng tỉ trọng khi chỉ số vượt 1.100 và thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn.

Ngược lại, nhà đầu tư cần giảm tỉ trọng trong danh mục ngắn hạn, dừng lại quan sát cho đến khi xu hướng rõ ràng hơn. Đồng thời ưu tiên lựa chọn nhóm ngành duy trì được lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn