MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền vay margin tăng cao kỉ lục, công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn

Hương Nguyễn LDO | 10/05/2021 15:21

Dư nợ giao dịch ký quỹ đạt mức kỉ lục 101,4 nghìn tỉ đồng cho thấy sức nóng của thị trường chứng khoán bùng nổ. Cùng với việc ồ ạt mở tài khoản mới của nhà đầu tư F0, nhiều công ty chứng khoán đã chạm trần margin và tìm cách tăng vốn để nới margin.

Nhiều công ty chứng khoán căng cứng margin

Trao đổi với báo chí, đại diện của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: “Cuối quý I/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101,4 nghìn tỉ đồng, tăng 53,6 nghìn tỉ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương với tăng 53%. Con số này tiếp tục có xu hướng tăng cho đến thời điểm hiện nay”.

Căng margin tại các công ty chứng khoán là điều mà giới chuyên gia phân tích khá lo ngại.

“Margin đang ở mức cao, một số công ty chứng khoán đã vượt trần cho vay ký quỹ. Theo một số thống kê, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 31.3.2021 đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỉ đồng, là mức cao kỷ lục của chứng khoán Việt Nam. Margin cao tiềm ẩn rủi ro lớn khi thị trường điều chỉnh” - chuyên gia của VN Direct nhận định.

Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán.

"Nếu chiếu theo quy định, một số công ty chứng khoán đã chạm mức trần cho vay. Tuy nhiên, thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy có nhiều dòng tiền mới vào thị trường, không chỉ có dòng tiền từ margin.

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều công ty chứng khoán đã thông qua phương án tăng vốn và nộp hồ sơ lên UBCKNN đề nghị chấp thuận phương án tăng vốn” - đại diện UBCKNN cho biết.

“Khát” margin, nhiều công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn

Vào thời điểm đầu năm 2020, nhiều công ty chứng khoán thậm chí còn phải ngừng cấp margin cho khách hàng do cổ phiếu không còn “room để mua”.

Trước sức nóng của thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán bước vào cuộc chạy đua ồ ạt phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, từ đó nâng giới hạn margin được phép cho vay.

Trong bối cảnh việc huy động vốn từ trái phiếu bị siết chặt theo Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, không ít công ty chứng khoán chọn con đường phát hành cổ phiếu.

Nhiều công ty chứng khoán ồ ạt phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, từ đó nâng giới hạn margin được phép cho vay. Ảnh TL

Chứng khoán VNDIRECT phát hành hơn 220 triệu cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu (tỉ lệ 1:1). Mục đích của đợt chào bán này là tăng quy mô vốn hoạt động của công ty, mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có đảm bảo.

Chứng khoán HSC phát hành 152,52 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 14.000 đồng/cp (tỉ lệ thực hiện quyền 2:1). Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 2.135,3 tỉ đồng, trong đó HSC sẽ bổ sung 1.495 tỉ đồng cho hoạt động giao dịch ký quỹ; bổ sung 427 tỉ đồng cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và còn lại 213,3 tỉ đồng bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh.

Chứng khoán MB (MBS) tăng vốn thêm 1.643 tỉ đồng lên 2.676 tỉ đồng thông qua các hình thức phát hành ESOP, chào bán cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trình ĐHCĐ phương án 166,5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỉ lệ 1:1) để tăng vốn lên 3.330 tỉ đồng ngay trong năm nay.

Chứng khoán SSI phát hành gần 47 triệu cổ phiếu để chuyển cho lô trái phiếu trị giá 1.150 tỉ đồng với mức giá 24.541 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh việc phát hành tăng vốn, nhiều công ty chứng khoán "hợp tác đầu tư" để huy động vốn từ khách hàng với lãi suất cao hơn ngân hàng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng thường từ 7 - 8,5%/năm, thậm chí với một số khách hàng "vip", mức lãi suất có thể lên tới 10%/năm.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn