MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiếp cận năng lượng xanh từ sớm, ngành dệt may tiết kiệm tới 20% tiền điện

Đức Mạnh LDO | 17/05/2023 19:12
Do tiếp cận sớm với năng lượng xanh, ngành dệt may đã có thể tiết kiệm từ 10 - 15%, thậm chí 20% tiền điện so với trước đây. 

Gắn bó với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết ngành có ba đối tượng tiêu thụ điện lớn. Dẫn đầu là đốt sợi với máy móc chạy liên tục 24/24h, tiếp theo là dệt lụa và cuối cùng là may. Tuy nhiên ngành dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, điện mặt trời, điện áp mái từ sớm nên có thể tiết kiệm từ 10 - 15%, thậm chí 20% tiền điện so với trước đây. 

"Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn. Việc phát triển điện mái, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất" - ông Giang chia sẻ. 

Với việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, ông Giang đề xuất cần có tiêu chuẩn thống nhất trên cả nước, đặc biệt liên quan đến pin năng lượng cũng như tính đảm bảo an toàn cho người lắp đặt các tấm pin mặt trời.

Cùng với đó, các nhà làm thương mại, phát triển năng lượng mặt trời, điện áp mái cũng cần có tầm nhìn, đưa ra các khả năng an toàn trong lắp đặt và sử dụng để đem lại hiệu quả cho người dùng. Cơ quan quản lý cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: Đức Mạnh 

Không riêng dệt may, nhu cầu năng lượng cho cấp đông của ngành thuỷ sản cũng rất lớn. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - khẳng định điện áp mái với doanh nghiệp VASEP là rất cấp thiết. Tuy nhiên các doanh nghiệp thành viên cần lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì vẫn gặp vướng mắc ở văn bản pháp quy.

"Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hướng dẫn về lắp hệ thống điện áp mái cho doanh nghiệp. Do đó, với Quy hoạch điện VIII, chúng tôi mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành về mặt cơ chế, hướng dẫn để đầu tư, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu. Thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn hay giải quyết chi phí năng lượng" - ông Nam nói.

Các chuyên gia tại Toạ đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” . Ảnh: Đức Mạnh

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội - chỉ ra dù đã có các quy định về các yếu tố kỹ thuật để kiểm soát, lắp đặt, sửa chữa điện năng lượng tái tạo, song thể chế chính sách rõ ràng, quy trình thủ tục để lắp đặt hệ thống mới hay sửa chữa vẫn mất rất nhiều thủ tục, quy trình kèm theo. Đồng thời gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt với cơ sở, ngành xuất khẩu khi khách hàng có các yêu cầu về năng lượng sạch.

Theo ông Việt, để đạt được mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII cần có cơ chế xác nhận cho người dân làm. Đồng thời, thảo luận, sửa đổi quy trình, thủ tục, tìm phương án tháo gỡ để có cơ chế chính sách phù hợp. "Bởi nếu không có phương án ngay chúng ta sẽ mất cơ hội" - ông Việt đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn