MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiếp tục "đấu khẩu" quanh nghị định “khép cửa” với ôtô nhập khẩu

KH LDO | 26/02/2018 15:42
Trong lúc xe nhập giảm theo chiều thẳng đứng từ vài nghìn xe xuống còn hơn 20 xe, các doanh nghiệp lắp ráp và nhập khẩu xe tiếp tục “đấu khẩu” quanh Nghị định 116 và Thông tư 03 về nhập khẩu xe.

Thời gian qua, thị trường xe đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhà phân phối và lắp ráp xe. Trước tình hình đó, sáng nay (26.2), Văn phòng Chính phủ đã tổ chức một cuộc đối thoại giữa các DN và các ban bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, cuộc họp tiếp tục trở thành nơi chứng kiến những lập luận trái chiều giữa các đơn vị vốn có cùng môi trường kinh doanh.

Bên phe ủng hộ Nghị định 116 và Thông tư 03 của Bộ GTVT, lãnh đạo Tập đoàn Thaco - Trường Hải cho rằng, quy định về bản sao giấy chứng nhận thể loại cho xe nhập khẩu là cho cả sản xuất trong nước nữa vì Thaco cũng phải xuất trình cho nước ngoài từ năm 2016 và loại giấy chứng nhận này có tác dụng như lý lịch của 1 chiếc xe, nói về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền chứ không phải là nói bằng phương thức marketing của các hãng.

Đại diện này cũng ủng hộ quy định thử theo lô và cho rằng “1 động cơ của Việt Nam mới áp dụng EURO 4, so với 1 động cơ không đạt thì chênh lệch không nhỏ và để đạt EURO 4 thì không đơn giản. Các xe kiểm định thì đạt nhưng khi sản xuất ở bên kia đưa về thì lại không đạt. Vậy nên ta phải kiểm định khí thải".

Lãnh đạo Trường Hải cũng khẳng định: Nhiều DN trong nước đã chuyển từ chiến lược sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước sang thành nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài nên đơn vị này “không xin ưu đãi một cái gì cho DN sản xuất trong nước mà chỉ xin được làm giống nhau. Hiện phụ tùng liên quan đến chứng nhận chất lượng thì cũng tôi cũng phải có chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài thậm chí đăng kiểm đi theo chúng tôi tới từng đơn vị sản xuất thiết bị mà chúng tôi nhập về để làm".

Cùng quan điểm, ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công cho rằng thử nghiệm theo từng lô là điều cần thiết bởi các thương hiệu lớn, như Volkswagen vẫn phát hiện sai phạm, gian lận.

Ở phe bên kia, đại diện DN Mỹ đề nghị tạm hoãn Nghị định 116 để xem xét lại sao cho rõ ràng hơn, còn lãnh đạo Toyota Việt Nam nhận định một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp vì nó làm gián đoạn và gần như ngưng hoạt động nhập khẩu ôtô từ các nước và những lượng ôtô dung lượng nhỏ hầu như không sản xuất được trong nước thì cũng không nhập khẩu được, làm ảnh hưởng nền kinh tế.

Ông này cho rằng, quy định của Nghị định 116 giúp làm tăng chi phí và thời gian thông quan làm thời gian xe nhập về và đến tay khách hàng chậm hơn, phải chờ đợi thêm và tạo ra sự phân biệt và chênh lệch giữa sản xuất ôtô trong nước và bên ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn