MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức 5 hội thảo góp ý Khung pháp lý tài sản ảo. Ảnh: Hải Yến

Tiếp tục xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 05/06/2024 17:37

Chiều 5.6, tại TPHCM, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo lần thứ 5 về Khung pháp lý quản lý tài sản ảo (VA) và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) thu hút đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một năm là đến tháng 5.2025, thời hạn ban hành Khung pháp lý tài sản ảo theo cam kết của Chính phủ, nhằm thực hiện Kế hoạch quốc gia về Phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, được ban hành theo Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23.2.2024, nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám (grey list) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF).

Tại Việt Nam, do thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, các quy định liên quan đến VA-VASP nằm rải rác ở 19 văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới tình trạng các hoạt động huy động vốn cộng đồng, gian lận, tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản ảo vẫn diễn ra tràn lan không phép, bao gồm cả trong khu vực các trường đại học và núp bóng dưới nhiều hoạt động phổ biến kiến thức.

Theo thông tin từ cộng đồng, nhiều đơn vị không rõ thông tin thường xuyên tổ chức những hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh nhằm thu hút huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân. Nhiều báo cáo từ người dùng gửi đến VBA về việc họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví không rõ thông tin.

Hơn 300 đại biểu tham dự, góp ý để hoàn thiện khung pháp lý tài sản ảo tại Hội thảo diễn ra chiều 5.6, tại TPHCM. Ảnh: Hải Yến

Theo các quy định hiện nay, các VASP hoạt động không phép tại Việt Nam có nguy cơ vi phạm Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân khi thu thập dữ liệu cá nhân không hợp pháp; không bảo vệ dữ liệu cá nhân; sử dụng dữ liệu cá nhân không đúng mục đích.

Việc hoán đổi tài sản, đặc biệt là các giao dịch tài chính và bất động sản như mua bán stablecoin, khai thác coin, bán token ứng dụng trong GameFi, hay bán NFT, được điều chỉnh trong Luật thuế, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ các VASP này vi phạm quy định về thuế hay phòng chống rửa tiền.

“Việc hình thành khung pháp lý là cần thiết và nên được làm sớm để bảo vệ người dùng chân chính, tận dụng tối ưu các lợi thế của công nghệ mới cho sự phát triển của xã hội, đồng thời hạn chế những tác động trái chiều” - ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Thị trường Trái phiếu Việt Nam, nhấn mạnh.

Trước đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức 4 hội thảo góp ý Khung pháp lý tài sản ảo với hơn 4.000 người tham dự trực tiếp, hơn 400 bài viết trên các tờ báo, phóng sự truyền hình và 1 triệu lượt tiếp cận qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội cùng hơn 100 ý kiến và nhiều tài liệu, kinh nghiệm của các đối tác trong và ngoài nước.

Sau các sự kiện, báo cáo tổng hợp về Khung pháp lý tài sản ảo cùng các ý kiến góp ý đã được Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổng hợp và gửi đến nhiều cơ quan nhà nước chủ trì các lĩnh vực liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn