MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiêu chí môi trường trong đấu thầu: Làm thế nào cho phù hợp?

Hiếu Anh LDO | 29/10/2022 08:01

Nghiên cứu “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã phát hiện nhiều thiếu sót về tiêu chí môi trường trong hoạt động đấu thầu. Thế nhưng, xoay quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều.  

Như thông tin Báo Lao Động đã đăng tải, vừa qua Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện nghiên cứu về “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”.

Nhóm phụ trách nghiên cứu do Tiến sĩ Đặng Đức Anh (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) làm trưởng nhóm, Tiến sĩ Hồ Công Hòa (Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) làm thư ký cùng sự tham gia của Thạc sĩ Nguyễn Hải Thanh, Tiến sĩ Đinh Khánh Lê.

Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu phát hiện: mặc dù một số hồ sơ về mua sắm có quy định yêu cầu nhà thầu phải cung cấp các thông tin về môi trường, tuy nhiên các nhà thầu chỉ mới nêu ra trong trường hợp có yêu cầu mua sắm bền vững mà chưa có các tiêu chí cụ thể.

Ngoài ra, cách thức lồng ghép vào các hồ sơ và đánh giá hồ sơ thầu chưa được thể hiện trong hồ sơ yêu cầu sơ tuyển cho đến hồ sơ mời thầu. Cụ thể, những bất cập hạn chế này thuộc Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Thông tư có hiệu lực từ 1.8.2022) và Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất (Thông tư có hiệu lực từ 1.1.2022).

Trước các hạn chế trên, nhóm nghiên cứu đưa ra hai phương án xử lý. Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung lồng ghép các tiêu chí môi trường và các biểu mẫu hồ sơ mời thầu được quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BKHĐT và Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT. Hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư riêng về mua sắm công xanh, hoặc thông tư sửa đổi, bổ sung một phụ lục riêng về mua sắm công xanh của Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT và Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT.

TS. Hồ Công Hòa, thư ký nhóm nghiên cứu. Ảnh: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thế nhưng xoay quanh nghiên cứu này còn nhiều ý trái chiều nhau. Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu bình luận: “Không cẩn thận, những thuật ngữ này sẽ là rào cản trong đấu thầu. Nếu tôi là người tổ chức đấu thầu, tôi muốn nhắm vào người bạn nào đó, doanh nghiệp nào đó. Tôi sẽ đưa ra các rào cản này để rồi chỉ còn 1 nhà thầu có thể trúng thầu”.

Bà Lê cho biết thêm, việc hướng đến mua sắm xanh đòi hỏi chi phí cao hơn, trong khi đó Việt Nam vẫn là nước “nhà nghèo”. Mặc dù hiện nay, khả năng chi trả của Việt Nam đã khá hơn song vẫn phải tính toán cho vừa vặn túi tiền. Hơn nữa, đưa các tiêu chí về môi trường có thể làm tăng rào cản dự thầu. Điều này cần phải được đặc biệt lưu ý, bởi đôi khi các chứng chỉ giấy tờ là như vậy, nhưng thực tế không đáp ứng được thì cũng không đảm bảo được mục tiêu bảo vệ môi trường.

Đúng là Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đưa ra được nhận định là điều kiện đảm bảo tính bền vững. Nói như nhóm nghiên cứu là khá chung chung. Thế nhưng, đây đã nỗ lực của Việt Nam trong tiếp cận dần với yêu cầu tổng thể kinh tế xanh. Nếu đi vào từng cái, cụ thể quá sẽ vướng các luật khác. Ví dụ luật bảo vệ môi trường đến nay chưa hoàn thiện nhiều vấn đề như gắn nhãn xanh, thị trường carbon, phân loại rác…

Do đó, nếu cố đưa tiêu chí về môi trường vào hồ sơ đấu thầu sẽ chỉ là những bánh xe lệch khớp, không chạy được. Còn nếu chỉ hô khẩu hiệu, không thực sự đưa trí tuệ về mặt kỹ thuật về từng hồ sơ mời thầu, chúng ta chỉ mua được lời hứa suông mà không có tác động thực tiễn môi trường, lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu đưa quan điểm.

Một vấn đề nữa được bà Vũ Quỳnh Lê chỉ ra là tên gọi của đề án là đầu tư công, nhưng nội hàm của báo cáo lại chẻ sang lĩnh vực tư. Nên nhớ rằng nhiệm vụ của Nhà nước với khu vực tư là tạo sự thông thoáng (doanh nghiệp được làm những gì mà luật không cấm), còn luật đầu tư công là làm những gì mà thị trường không làm. Đề tài mở rộng ra ngoài phạm vi đầu tư công là không hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn