MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Hải Dương đã làm rất tốt công tác tiêu thụ nông sản trong đợt dịch COVID-19 mới đây. Ảnh: CTV

Tiêu thụ nông sản trong dịch COVID-19: Thực hiện nhiều giải pháp “mềm”

Vũ Long LDO | 17/05/2021 20:28

Việc tiêu thụ nông sản trong dịch COVID-19 rất nhiều khó khăn, cần nhiều giải pháp linh hoạt. Đặc biệt, các địa phương phải chủ động.

Gỡ khó khăn tại các cửa khẩu biên giới

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, dịch bệnh COVID-19 đang gây nhiều khó khăn cho khâu sản xuất, thương mại và chuỗi cung ứng. Để tháo gỡ, cần áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động.

Trung Quốc là 1 thị trường rất lớn, trước đây thường xảy ra ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu. "Bộ NNPTNT sẽ có văn bản gửi các cơ quan chức năng của Trung Quốc đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt là tại các cửa khẩu để thúc đẩy hàng hóa, tránh tình trạng ứ đọng hàng năm như trước đây" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Mặt khác, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương sẽ thành lập tổ công tác liên ngành kịp thời lên biên giới để tìm hiểu, đề nghị phía bạn có giải pháp tháo gỡ khó khăn tại các cửa khẩu. "Chúng tôi cũng đã đề nghị với phía bạn có thể thành lập đường dây nóng đối với Hải quan của tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) để kịp thời giải quyết các khó khăn phát sinh.

Đặc biệt, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lập tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nếu tiêu thụ nông sản khó khăn tại các cửa khẩu biên giới, tổ công tác liên ngành sẽ góp phần hỗ trợ các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp phù hợp để giải giải quyết mọi ách tắc một cách nhanh nhất” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm.

Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đường biển thì xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc chiếm số lượng rất lớn, đặc biệt là các mặt hàng nông sản tươi sống, hoa quả tươi như nhãn, vải, thanh long… Do đó, cần tìm làm tốt khâu lưu thông hàng hóa ở khu vực này.

Các địa phương phải năng động, không chỉ "ngồi chờ"

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặc biệt nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm là rất khó khăn, các địa phương phải tiếp tục xây dựng phương án cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ. Các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò, phối hợp với ngành chức năng để thông tin kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nông sản ở các địa phương.

Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao tìm hiểu về nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nông sản ở một số nước để có điều chỉnh về quy mô, chính sách sản xuất.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng, các tỉnh phải chủ động xây dựng phương án và kết nối thông tin. Có biết được các địa phương đang cần gì, đang vướng ở đâu, thì Trung ương mới tháo gỡ được.

“Cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, thường xuyên, sát sao giữa địa phương và các bộ, ban, ngành Trung ương mới giải quyết được. Hiện nay có nhiều vấn đề, ví như các tỉnh trồng dưa hấu, khoai lang, bí đỏ… Bộ không thể đi giải quyết từng trường hợp cụ thể. Đề nghị các địa phương có phương án chủ động và kiến nghị những phần cần Bộ NNPTNT phối hợp.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan để đảm bảo hàng hóa được lưu thông, nhu cầu tiêu dùng của người dân được đảm bảo một cách đầy đủ và an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn