MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng trăm tấn nông sản của Hải Dương có nguy cơ phải đổ bỏ vì không thể tiêu thụ được. Ảnh: Sở CT Hải Dương

Tiêu thụ nông sản vùng dịch ách tắc: Do nhiều quy định chưa hợp lý

Vũ Long LDO | 22/02/2021 12:24

Nhiều quy định chưa hợp lý đã khiến hàng trăm tấn nông sản của Hải Dương không thể xuất khẩu; thiếu nguyên liệu khiến nguy cơ đứt gãy sản xuất, kinh doanh.

Nhiều quy định chưa hợp lý

Tại tờ trình số 901/BCT-TTTN của Bộ Công Thương ngày 21.2 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký trình Thủ tướng về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nêu rõ:

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7.2.2021 hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp:

Theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng;

Chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân (TP.Hải Phòng chỉ định rõ chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương): Một số doanh nghiệp phản ánh, khi làm xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân (Medlactec…) đã không được công nhận. Trong khi đó, thời gian nhận kết quả PCR mất nhiều thời gian, CDC Hải Dương và các điểm xét nghiệm đang quá tải với việc xét nghiệm phòng chống dịch nên không thể đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp và lái xe;

Chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài (hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau: TP. Hải Phòng thì cấm, TP.Hà Nội không cấm người và hàng hóa của tỉnh Hải Dương…) nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản

Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành nông nghiệp và ngành y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng…

Nguy cơ đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh

Nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong xuất khẩu được đang khiến cả chính quyền và người dân địa phương như "ngồi trên đống lửa".
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương khảo sát lượng nông sản đang tồn đọng. Ảnh: Hải Dương

Báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hải Dương cho biết, hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề: Hiện tại Hải Dương đang còn 2.802ha đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa.

Tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được. Cụ thể, còn 4.080ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205ha hành, 621ha cà rốt và 261ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.

Những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương.

Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn