MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc bán hàng đìu hiu vắng khách tại chợ Đồng Xuân dù mới 10 giờ sáng. Ảnh: Vũ Long

Tiểu thương chợ Đồng Xuân cầm cự, chỉ mong đủ tiền thuế, phí vì dịch COVID-19

Phong Nguyễn LDO | 26/08/2020 18:43
Tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đang phải cầm cự kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khách hàng giảm tới 70-80%.
Chị Tuyết cho biết nhiều ngày đi chợ chị phải “về tay không“. Ảnh: Vũ Long

Nhiều ngày “về tay không”

Từ hơn 2 tháng nay, chị Hải Tuyết (chủ sạp quần áo 119-B3 tầng 3, chợ Đồng Xuân-Hà Nội) cố cân bằng cảm xúc để không bị "phát ốm" khi cảnh ế ẩm, đìu hiu đang kéo dài.

Chị chia sẻ: Từ đợt dịch sau Tết, quần áo lấy về bán ra tuy chậm nhưng còn túc tắc bán được cho các khách tỉnh xa, nhưng từ đợt dịch thứ 2 (cuối tháng 7.2020-PV) và đặc biệt là bước sang tháng 8 đến nay, việc kinh doanh gần như bị “đóng băng”.

“Quần áo lấy về không bán được, có những ngày 5h sáng dắt xe đi, 5h chiều đóng quầy ra về mà không bán được đồng nào. Không riêng gì quầy của tôi, mà hầu hết các hộ kinh doanh tại chợ đều chung cảnh như vậy, chị em đành động viên nhau, hi vọng dịch bệnh qua thì tình hình sẽ sáng sủa hơn” – chị Hải thở dài nói.

Cảnh vắng khách, ế ẩm tại chợ Đồng Xuân (chụp 10 giờ sáng 25.8). Ảnh: Vũ Long

Quan sát cả 3 tầng khu vực chợ đều chung cảnh thưa vắng khách, nhiều chủ sạp túm tụm nói chuyện giết thời gian, hoặc “lướt” điện thoại trong cảnh “rỗi việc”.

Là người đã gắn bó với chợ Đồng Xuân từ thời son trẻ, sau 15 năm đã có trong tay đồng vốn kha khá nhưng chị Hải Yên (sạp hàng Dung Yên) tại tầng 2 cũng không thoát cảnh lao đao khi COVID-19 đã “thổi bay” hết cơ hội có được lợi nhuận trong 2 tháng qua.

“Có những ngày không thu được đồng nào, ngày nào có lãi vài trăm nghìn là mừng. Trong khi trước đó, có ngày chúng tôi thu tiền triệu. Giờ tôi chỉ mong bán hàng đủ tiền để đóng thuế và phí dịch vụ, cầm cự chờ dịch qua, mong đừng thua lỗ là tốt lắm rồi” – chị Yên ngậm ngùi chia sẻ.

Tại khu vực bán vải vóc, phụ kiện cũng không khá gì hơn, tình trạng “người bán thì đông người mà mua không có” là phổ biến.

Chị Thanh Hương (chủ quầy hàng số 107-B2 Hương Dũng) cũng không thoát khỏi tình cảnh chung, ngày ngày đến chợ chủ yếu là để giữ khách, phần lớn là "về tay không".

"Vải vóc không phải là mặt hàng thiết yếu, mua vải may đo lại càng “xa xỉ” trong bối cảnh COVID ai cũng thắt lưng buộc bụng, nên khách giảm 80-90%” – chị Thanh Hương chia sẻ.

Vắng khách, tiểu thương túm tụm tán gẫu. Ảnh: Vũ Long (chụp 10 giờ sáng 25.8)

"Mắc cạn" vì COVID-19

Vốn từng là ngôi chợ bán buôn sầm uất nhất nhì miền Bắc, chợ Đồng Xuân có thời giao thương như mắc cửi, kẻ bán người mua tấp nập từ sáng tinh mơ đến sẩm tối.

Từ khi có chợ đầu mối Ninh Hiệp, khách hàng và lợi nhuận của các thương nhân tại chợ Đồng Xuân bị giảm sút đến 40-50%, nhưng thương nhân chợ Đồng Xuân vẫn kinh doanh tốt. Tuy nhiên, từ khi COVID-19 đợt 2 quật xuống, các tiểu thương mới thực sự “ngấm đòn”.

“Chúng tôi thực sự lo lắng sẽ không gắng gượng nổi, khi có những ngày không bán được mặt nào, dù đã chuyển hình thức kinh doanh linh hoạt. Nếu như trước đây chỉ bán buôn, thì nay ai mua lẻ 1-2 món chúng tôi cũng bán. Thế nhưng tình hình vẫn hết sức ảm đạm” – chị Thanh Hải chia sẻ.

Không chỉ buôn bán trực tiếp bị giảm sút, mà bán hàng qua các mạng như Zalo, Viber, facebook đều giảm đến 70%.

“Một mặt các “nhánh” bán hàng này cũng bị ế ẩm, mặt khác các đại lý đều thích trực tiếp mua hàng để còn chọn được kiểu dáng, chất liệu đẹp để hàng mau trôi” – chị Hải Yên (cửa hàng Dũng Yên – tại tầng 2) nói thêm.

Điều đáng nói là, mặc dù hàng hóa ế ẩm, nhiều người muốn nghỉ bán hàng, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc sang nhượng kiốt khó khăn hơn bao giờ hết.

Khu bán giày dép cũng trong cảnh ế ẩm. Ảnh: Vũ Long

Ngoài những hộ kinh doanh có được nghề khách cho thu nhập khá hơn đã chuyển nghề, những người phải cầm cự ở lại, hoặc là do không thể kiếm được việc tốt hơn, hoặc vì còn hy vọng dịch bệnh qua hoạt động buôn bán tốt trở lại, nhưng phần lớn là do không cho thuê lại được quầy hàng.

“Trước đây, mỗi quầy hàng tại chợ được bán ra từ 1-1,5 tỉ cũng không có mà mua, nay bán 500 triệu cũng không ai hỏi đến, bởi mua xong lại bỏ đó vì hoạt động kinh doanh gần như tồn đọng. Không bán được quầy đành ngày ngày đến chợ cầm cự qua ngày, vì ngoài bán hàng ra chúng tôi không biết làm nghề gì khác. Chúng tôi gần như "mắc cạn" vì COVID” – chủ sạp hàng Ánh Bình cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn