MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều sạp hàng tại các khu chợ sỉ lớn ở TPHCM vắng khách mua hàng. Ảnh: Ngọc Chân

Tiểu thương chợ sỉ TPHCM loay hoay tìm hướng kinh doanh

NGỌC LÊ - THANH CHÂN LDO | 12/12/2023 11:57

Kinh doanh ế ẩm, mua bán trực tuyến lên ngôi, nhưng nhiều tiểu thương tại các khu chợ sỉ ở TPHCM ngại chuyển đổi hình thức kinh doanh. Điều này khiến khó chồng khó khi thuế vẫn phải đóng, tiểu thương phải loay hoay tìm cách kinh doanh.

Nhiều ngày liền không mở hàng

Kinh doanh tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình) - khu chợ sỉ quần áo lớn nhất TPHCM hơn 30 năm nay, chưa bao giờ bà Phạm Thị Kim Cúc lại thấy chợ vắng khách vào thời điểm cuối năm như hiện tại. Hằng năm, vào đầu tháng 12, đơn hàng sỉ lẻ khắp nơi đổ về, tiểu thương tất bật cả ngày không hết việc.

“Tình hình chợ ế ẩm, người mua vắng, người bán nghỉ nhiều. Do đó, Tết năm nay tôi không dám nhập hàng dự trữ, bạn hàng cũng chỉ đặt những mặt hàng cần thiết. Có nhiều ngày ra bán, không có khách mở hàng là chuyện bình thường” - bà Kim Cúc chia sẻ.

Đây cũng là tình trạng của các tiểu thương tại chợ Tân Bình. Dạo một vòng quanh chợ, tiểu thương không ngồi lướt điện thoại, xem phim thì tụ tập nói chuyện, ăn uống. Nhiều người còn “giết thời gian” bằng thêu tranh, làm móng…

Trao đổi với Lao Động, đại diện Ban Quản lý chợ Tân Bình cho hay, lượng khách đến tham quan, mua sắm tại chợ khá vắng. Số lượng sạp hàng và mãi lực chợ giảm 50-60% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Thương xá Đồng Khánh, Quận 5 - khu chợ sỉ vải lâu đời ở TPHCM, tình hình buôn bán cũng không khả quan.
Bà Tô Bích Châu, thương nhân tại đây cho biết, thị trường suốt một năm nay rất ảm đạm. Mọi năm, từ tháng 11, các sạp hàng chuẩn bị hàng hóa để bán dịp Noel và Tết Nguyên đán. Năm nay, hiện đã sang tháng 12 nhưng vẫn không có khách mua.

Phía khu chợ sỉ bánh kẹo - chợ Bình Tây (Quận 6), không khí vắng vẻ cũng bao trùm.

Theo các tiểu thương, dạo gần đây khách du lịch ghé chợ tuy có đông hơn nhưng chủ yếu là xem hàng, ít khách mua.

Chủ động thay đổi để kéo khách

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều tiểu thương tại các khu chợ truyền thống ở TPHCM cho rằng, do mạng xã hội phát triển, hàng hóa bán nhiều thông qua các kênh trực tuyến. Trong khi đó, đa phần tiểu thương kinh doanh tại chợ đều là người lớn tuổi không theo kịp xu hướng. Hàng trực tuyến có mức giá rẻ hơn so với ở chợ truyền thống nên gây ra ế ẩm, vắng khách.

Để cải thiện tình hình kinh doanh, nhiều tiểu thương cũng đã thay đổi trong việc tìm nguồn hàng chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, mức giá rẻ để kéo khách.

Bà Ứng Thị Liên, tiểu thương chợ Bình Tây cho biết, hiện công nhân thất nghiệp nhiều, đời sống khó khăn, người tiêu dùng ngại chi tiêu nên họ sẽ chú trọng mua những mặt hàng cần thiết, có mức giá hợp lý.

“Tại chợ Bình Tây, các tiểu thương thay vì chỉ bán sỉ thì nay cũng bán lẻ. 90% sản phẩm bán là hàng Việt Nam, có giấy phép kinh doanh, mã ngạch, cơ sở kinh doanh, giá rẻ bởi thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, sức mua vẫn không cải thiện” - bà Liên nói.

Phía Ban Quản lý các khu chợ sỉ cũng cho biết, đã có những giải pháp hỗ trợ cho các tiểu thương như tổ chức, khuyến khích tiểu thương tham gia tháng khuyến mại, phiên chợ hàng Việt để tăng sức mua cũng như quảng bá sản phẩm.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thương nhân như từng bước mở rộng kênh bán hàng qua các trang thương mại điện tử để nâng cao thu nhập.

Theo bà Trần Như Quỳnh - Phó Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TPHCM, thời gian qua Sở đã phối hợp với các địa phương đánh giá lại tính hiệu quả, đề ra các giải pháp nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống.

“Chợ truyền thống vẫn tồn tại nhưng phải có mô hình mới phù hợp. Đối với các chợ hoạt động không hiệu quả, phải tính đến phương án chuyển đổi công năng. Trong nội bộ các chợ thì phải tính đến chuyện là có thể gom ngành hàng. Việc này các quận, huyện đang rà soát và lên phương án cụ thể” - bà Trần Như Quỳnh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn