MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiểu thương chợ truyền thống loay hoay tìm cách bán hàng online

MỸ LY LDO | 02/06/2024 07:00

Để cầm cự trong tình cảnh ế ẩm, ngoài việc cắt giảm chi phí kinh doanh, các tiểu thương chợ truyền thống cũng muốn chuyển hướng sang hình thức buôn bán online. Tuy nhiên, không ít người gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng trước sự cạnh tranh của thị trường mua sắm online hiện nay.

Cắt giảm chi phí kinh doanh

Trước cảnh chợ vắng khách, hàng hóa leo thang, bà Nguyễn Thị Bé Hai (60 tuổi, tiểu thương tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) không khỏi ngao ngán. Nếu trước đây, mỗi ngày, sạp hàng của tiểu thương này bán được từ 40 – 50 kg trái cây các loại, những hôm lễ lộc còn lên cả trăm kg thì hiện sức mua giảm hơn 50%.

Lý giải nguyên nhân, bà Hai chia sẻ, hiện có nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cả chợ cóc, chợ tạm nên lượng khách bị phân bổ ra rất nhiều. Giờ tan tầm cũng lưa thưa vài người rồi thôi.

Trong khi đó, mỗi ngày phải đóng hơn 100.000 đồng tiền thuê kiot lẫn điện, nước, bà Hai buộc phải cắt giảm nhiều chi phí: “Bán chậm cộng thêm thời tiết oi bức, trái cây dễ hư hỏng nên tôi giảm lượng hàng hóa nhập vào. Lúc trước, buôn bán dư dả, tôi còn thuê người chở hàng đến nơi. Còn giờ hầu như tôi đều tự đi lấy để bớt được đồng nào hay đồng ấy”.

Buôn bán khó khăn, các tiểu thương phải chia lại kiot để giảm gánh nặng tiền thuê. Ảnh: Mỹ Ly

Theo bà Trần Thị Tư (74 tuổi, tiểu thương tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), việc kinh doanh hiện nay rất khó khăn, không chỉ bà mà đó là tình hình chung của các chợ: “Giờ buôn bán khó khăn, may nhờ có khách quen ủng hộ. Nhưng để duy trì việc buôn bán, tôi cũng phải tính toán cách tiết kiệm chi phí kinh doanh”.

Theo đó, ngoài giảm lượng hàng hóa nhập vào, bà Tư còn chia kiot lại cho bạn hàng khác thuê. Nhờ vậy, mỗi ngày, tiểu thương này tiết kiệm được thêm vài chục nghìn đồng tiền mặt bằng: “Hồi đó còn khỏe, bán nhiều nên tôi phải thuê 2 lô với giá 220.000 đồng/ngày mới đủ chỗ để. Nay thì ế ẩm, nhập hàng cũng ít nên tôi chia bớt cho bạn hàng khác thuê chung”.

Loay hoay trong việc chuyển đổi

Theo bà Hai, việc cắt giảm chi phí chỉ là một cách để “chống cháy”, về lâu về dài cần chuyển đổi hình thức kinh doanh để cải thiện sức mua. Theo đó, tiểu thương này đã bắt đầu đăng các mặt hàng của mình để bán online nhờ sự giúp đỡ của con gái. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, sự sáng tạo, việc buôn bán online của bà Hai cũng không dễ dàng.

“Ở độ tuổi 60, không rành công nghệ nên đắn đo lắm, tôi mới quyết định chuyển sang bán hàng online. Tuy nhiên, làm rồi mới thấy, kinh doanh online không chỉ đăng là bán được mà người chủ còn phải chú trọng đến việc tìm những cách hay để thu hút khiến khách hàng tin tưởng mà mua sắm. Đây là lại điều mà một tiểu thương đã gắn bó với cách bán truyền thống hơn 20 năm như tôi đang thiếu”, bà Hai tâm sự.

Nhu cầu mua sắm online tăng khiến nhiều tiểu thương muốn chuyển đổi hình thức buôn bán. Ảnh: Mỹ Ly

Thấy các tiểu thương trẻ chuyển sang bán hàng online và chốt đơn liên tục, bà Tư cũng hỏi thăm để làm theo. Cùng là tiểu thương với nhau nên mọi người giúp đỡ bà Tư rất tận tình. Dù vậy, khi vào thực tế, tiểu thương này phải đối mặt với không ít vấn đề.

“Lúc đầu, tôi dự định kinh doanh online ổn sẽ trả kiot nhưng khi bắt đầu buôn bán mới thấy, để có được đơn hàng phải cạnh tranh rất nhiều, không dễ như bản thân nghĩ. Đặc biệt, tôi đã lớn tuổi, không giỏi ăn nói lại thêm thiếu các kiến thức cơ bản về công nghệ nên khó bắt kịp lớp trẻ trong việc kinh doanh online”, bà Tư bộc bạch.

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM) nhận định: Tình trạng tiểu thương bỏ chợ, xu hướng người tiêu dùng thay đổi thì trong tương lai chợ truyền thống sẽ bị thu hẹp. Chỉ có một số chợ nổi tiếng tồn tại có chủ đích, được quy hoạch mang tính chất du lịch với mục đích để du khách đến tham quan. Còn về lâu dài, chợ truyền thống sẽ chuyển sang cửa hàng tiện lợi, hoặc bán online để phù hợp với xu hướng tất yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn